(TBTCO) - “Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giống như một bữa tiệc, mà mỗi thành viên phải góp một “món ăn” và cùng nhau vào bếp để “nấu nướng”. Và đương nhiên, để có một món ăn hấp dẫn, thì cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ.
Cú híc vào thị trường Mỹ
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương cuối giờ chiều 3/9, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết: Về giải pháp trung hạn, việc tham gia TPP là cách duy nhất để đẩy nhanh quan hệ FTA với Hoa Kỳ, trước một số nước đang phát triển, thường xuyên có sự cạnh tranh đối với nước ta như: Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,… vì những nước này chưa tham gia TPP.
Các mặt hàng nông sản sẽ phải tuân thủ rất khắt khe về điều kiện ATVSTP trong Hiệp định TPP. Ảnh: MN.
Bên cạnh đó, lợi ích của việc tham gia TPP là trong vòng 10 năm đầu, thuế xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng như các nước thành viên khác sẽ chỉ ở mức 0%. Điều này sẽ lợi thế hơn rất nhiều so với những ưu đãi trong Quy chế thuế quan phổ cập (GSP) không mang tính ổn định, vì đó chỉ là những cam kết đơn phương, có thể bị cắt bỏ bất cứ lúc nào.
Cũng theo bà Thúy, Hiệp định TPP được áp dụng với nhiều mặt hàng, đa dạng hơn rất nhiều so với GSP chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng và không ổn định.
Về tiến trình đàm phán TPP, bà Thúy cho biết, vòng đàm phán thứ 19 đã kết thúc ngày 1/9 tại Brunei với sự tham dự của Mỹ và 11 nước khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Trước đó, ban đầu chỉ có 9 nước tham gia đàm phán, bao gồm các nước sáng lập như: Brunei, Singapore…, từ phiên thứ 15 có thêm 2 nước là Mexico và Canada, phiên thứ 18 có thêm Nhật Bản.
Không hề “ngon ăn”
Theo TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc tham gia Hiệp định TPP giống như một bữa tiệc, mà mỗi thành viên phải góp một “món” ăn và cùng nhau vào bếp để “nấu nướng”. Và đương nhiên, để có một món ăn hấp dẫn, thì cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Tức là sẽ có những cái giá phải trả cho việc đó. “Trong quá trình cắt gọt nguyên liệu, đun nấu củi lửa hoàn toàn có thể bị đứt tay hay bị bỏng” - TS. Võ Trí Thành ví von.
Cũng theo ông Thành, để được hưởng ưu đãi thuế quan 0% không hề dễ, vì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ trong TPP, cùng các điều kiện khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm (đối với các mặt hàng nông sản).
“Ví dụ với hàng dệt may, để được hưởng thuế 0% khi xuất sang các nước thành viên TPP thì mọi công đoạn từ sợi trở đi cũng phải làm từ các nước thành viên TPP. Mà để có sản phẩm may mặc xuất khẩu sang Mỹ thì chúng ta phải nhập vải từ Trung Quốc, sợi chỉ từ Hàn Quốc, các loại phụ kiện cũng phải nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á khác…”, ông Thành cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, tham gia Hiệp định TPP là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi sức cạnh tranh còn yếu. Nếu chuẩn bị không tốt thì sẽ bất lợi, dù sớm hay muộn chúng ta phải bước qua để chuẩn bị cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất kinh doanh.
Một số ý kiến khác cho rằng, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn của TPP về tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ. Nếu các điều kiện này không đáp ứng tiêu chuẩn TPP sẽ không được hưởng ưu đãi.
Có thể nói, với những điều kiện hết sức ngặt nghèo của TPP, cho thấy thách thức cũng không kém cơ hội. Vấn đề hiện nay là cần phải có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cũng như sự chủ động của các doanh nghiệp Việt để hiểu rõ những điều kiện của TPP cũng như cái được, cái mất khi tham gia Hiệp định này để có những quyết sách đúng đắn, hợp lý./.