Sự phát triển của 3G cũng như sự phổ cập, bình dân hóa của smartphone đã khiến số lượng người dùng OTT ngày càng lớn. Theo công bố mới nhất của nhà dịch vụ Viber, tháng 4/2013, có đến 4 triệu người dùng ứng dụng này. Tháng 8/2013 nhà mạng Zalo cũng công bố số người dùng ứng dụng này là 4 triệu và hướng đến 5 triệu người trong năm nay. Dịch vụ Line và KakaoTalk cũng đã có 1,5 - 2 triệu người sử dụng.
Các ứng dụng dịch vụ OTT phổ cập tại Việt Nam hiện nay là Viber, Zalo, Line và KakaoTalk. Sự phát triển của các dịch vụ OTT đã cung cấp cho người dùng những tiện ích nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí nhưng đồng thời nó cũng khiến cho các nhà mạng đau đầu vì doanh thu bị giảm.
Theo tính toán của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nếu 40 triệu thuê bao của mạng này đều dùng 3G và sử dụng ứng dụng Viber thì doanh thu của tập đoàn sẽ giảm 40-50%. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng cho biết, các dịch vụ OTT đã làm giảm doanh thu của các nhà mạng ở Việt Nam từ 9-10%.
Không chỉ riêng Việt Nam, điều này cũng xảy ra tương tự với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên thế giới. Theo hãng nghiên cứu thị trường Ovum, những ứng dụng OTT trong năm 2012 đã khiến các nhà mạng trên thế giới thất thu đến 23 tỷ USD và dự đoán vào năm 2016 ước tính con số này sẽ lên tới 54 tỷ USD.
Theo thống kê tại châu Âu, trước sự cạnh tranh của các OTT, trong quý 4/2012, doanh thu hàng năm tại châu Âu của Vodafone giảm trung bình 7,6%. Còn doanh thu của Telefonica giảm 6,5%, của nhà mạng Deutsche Telekom giảm 4% và của Orange giảm 5,7% tại Pháp và giảm 1,7% trên tổng doanh thu toàn cầu. Hay tại Ấn Độ, theo số liệu thống kê của Ovum, các dịch vụ OTT đã khiến các nhà mạng nước này mất 781 triệu USD trong năm 2012 và sẽ mất 1,3 tỷ USD trong năm 2013. Dự kiến số tiền tổn thất này sẽ tăng lên 3,1 tỷ USD vào năm 2016.
Dịch vụ OTT không chỉ ảnh hưởng đến các mạng di động mà còn tác động đến cả mạng cố định cũng như thói quen sử dụng các hình thức SMS hoặc thoại truyền thống, chính vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quan điểm khác nhau về sự phát triển của ứng dụng/dịch vụ này.
Mặc dù bị tác động của các dịch vụ OTT song các nhà mạng Việt Nam đều cho rằng, đây là tác động từ sự phát triển tất yếu của công nghệ do vậy cần có chính sách phù hợp để cùng hợp tác và phát triển. “Sự lớn mạnh của dịch vụ OTT là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các nhà mạng Việt Nam tái sinh. Tuy nhiên để thị trường có thể cạnh tranh, cần có chính sách phù hợp để cùng hợp tác và phát triển”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel nói.
Mới đây trong văn bản chỉ đạo một số vấn đề về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực truyền thông, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng, ban hành chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc miễn phí trên mạng Internet, tức là dịch vụ OTT./.