Xuất khẩu tăng cao, GDP tăng thấp
Trong nhiều báo cáo tổng kết về tình hình kinh tế gần đây của Việt Nam, lĩnh vực xuất khẩu luôn là điểm sáng đáng chú ý khi mà tốc độ tăng trưởng liên tục tăng cao. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, xuất khẩu của các nước trong khu vực bị sụt giảm đáng kể.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào những số liệu này thì thấy có vấn đề thực sự đáng lo ngại. Xuất khẩu tăng cao nhưng chủ yếu do đóng góp của khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, nhóm DN trong nước có mức tăng trưởng không đáng kể.
Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng 14,7%, trong đó giá trị xuất khẩu DN trong nước chỉ chiếm một phần ba, tăng 3,1%, còn DN FDI chiếm hai phần ba, tăng 26% so với cùng kỳ (không tính dầu thô). Tương tự, kim ngạch nhập khẩu cả nước tăng 14,9%, DN trong nước chỉ tăng 4%, trong khi DN FDI tăng tới 25,1%.
|
Xuất khẩu tăng cao nhưng phụ thuộc nhiều vào nhóm doanh nghiệp FDI.
|
Nhìn vào cơ cấu tỷ lệ đóng góp cho hoạt động xuất nhập khẩu này có thể thấy, trong thời gian qua, các DN trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn (tỷ lệ tăng trưởng thấp, nhiều DN dừng hoạt động), trong khi đó khối DN FDI vẫn đang phát triển tốt.
Đặc biệt, mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất lớn nhưng mức độ đóng góp vào GDP được cho là không cao.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, đa phần các DN FDI sử dụng lao động giá rẻ của Việt Nam, nên giá trị tạo thêm cho nền kinh tế không lớn. Các DN FDI hầu hết nhập toàn bộ nguyên liệu, máy móc thiết bị vào, sản xuất và xuất đi, giá trị thặng dư để lại tại Việt Nam thực ra chỉ là giá trị nhân công.
Đơn cử như trường hợp công ty Samsung, tỷ lệ xuất nhập khẩu của công ty này có thể chiếm đến khoảng 10 – 15% của cả nước, thậm chí tăng lên 20% vào năm sau. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn là đáng mừng.
Theo ông Hải, việc thu hút được những tên tuổi đầu tư lớn là rất tốt, nhưng vấn đề quan trọng là giá trị thặng dư của những khoản đầu tư này. Ở nhiều nước, điển hình như Thái Lan, Trung Quốc, khi nhà đầu tư nước ngoài vào sẽ được yêu cầu phải đạt một tỷ lệ nội địa hóa nhất định, tạo ra một nền công nghiệp phụ trợ đi kèm theo.
Đây là một bài toán khó cho Việt Nam hiện nay khi nhìn các chỉ số tăng trưởng xuất nhập khẩu thì rất tốt nhưng giá trị GDP tạo ra cho đất nước thì không lớn.
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng 14,7%, trong đó giá trị xuất khẩu DN trong nước chỉ chiếm một phần ba, tăng 3,1%, còn DN FDI chiếm hai phần ba, tăng 26% so với cùng kỳ.
Lợi thế thương mại vào tay ai?
Bên cạnh câu chuyện về đóng góp GDP, vấn đề thời sự hiện nay là chúng ta đang ráo riết đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều hiệp định thương mại khác, với những kỳ vọng lớn về tác động tích cực cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, từ bài học thực tế khi gia nhập WTO, DN Việt Nam không tận dụng được nhiều lợi thế so với DN FDI. Sau khi gia nhập WTO, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế khi đó, doanh nghiệp Việt Nam thay vì tận dụng lợi thế, tập trung vốn vào nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư thì đã mải miết lao vào đầu tư bất động sản, chứng khoán. Để khi cơn sốt thoái trào, trong khi nhóm DN FDI vẫn tăng trưởng ổn định, DN Việt Nam lao đao, kiệt quệ.
Như vậy, nếu không có những thay đổi kịp thời, căn bản, thì có khả năng các lợi thế thương mại mà chúng ta đang cố gắng đạt được rồi sẽ lại chỉ đem đến lợi thế cho DN FDI là chủ yếu. Đó là chưa bàn đến câu chuyện về các vấn đề chuyển giá, lách thuế đang được nhắc đến nhiều thời gian gần đây.
Theo các chuyên gia, cần có nghiên cứu khảo sát để làm rõ mức độ tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng GDP là bao nhiêu, cũng như đóng góp của từng khu vực DN, để từ đó có những chính sách điều chỉnh thích hợp.
Mặc dù thu hút vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết nhưng vẫn phải tạo cơ hội và điều kiện phù hợp cho DN Việt Nam, để họ có khả năng cạnh tranh quốc tế, tạo sự tăng trưởng bền vững và ổn định cho nền kinh tế./.