Mô hình dịch vụ năng lượng (DVNL) là một hình thức kinh doanh năng lượng có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam. Đầu tư kinh doanh lĩnh vực này, thời gian hoàn vốn sẽ nhanh hơn nên tính khả thi cũng cao hơn so với các nước tiên tiến khác, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC), ông Huỳnh Kim Tước cho biết.
“Để giải quyết mục tiêu cắt giảm 10 – 20% năng lượng thì mức đầu tư thông thường từ 2 – 5 tỷ đồng cho một dự án, thời gian hoàn vốn dưới 3 năm. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy cơ hội rất lớn đang mở ra cho các DN kinh doanh DVNL”, ông Tước cho biết thêm.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao một sản phẩm đem lại nhiều lợi ích vẫn chưa được nhân rộng?
|
 |
Cái khó để triển khai DVNL ở VN đó là chúng ta thiếu những bộ phận am hiểu sâu về chuyên môn và công nghệ. |
 |
|
Ông Huỳnh Kim Tước
|
|
Theo ông Huỳnh Kim Tước, DVNL thường có 3 sản phẩm chính.
Thứ nhất là bảo lãnh hiệu quả năng lượng, nghĩa là khi các DN đầu tư công nghệ, thiết bị nhưng không yên tâm về hiệu quả năng lượng thì có thể ký cam kết với các công ty DVNL.
Thứ hai là mua bán năng lượng, thông thường ở Thái Lan các công ty DVNL sẽ đứng ra mua điện ở giờ thấp điểm và bán ra ở giờ cao điểm.
Thứ ba là hợp tác chia sẻ lợi nhuận đầu tư. Ba sản phẩm này hoàn toàn phù hợp với Việt Nam nhưng đến nay chúng ta chỉ có sản phẩm thứ ba và mới chỉ được thí điểm trên diện hẹp.
Dù đem lại rất nhiều lợi ích nhưng ở thời điểm hiện tại DVNL chưa hấp dẫn các các nhà đầu tư cũng như các DN Việt. Bởi lẽ đa phần các DN nước ta hiện nay chưa có hệ thống quản trị năng lượng và không biết lượng năng lượng mình đang tiêu hao ở mức nào, có khả năng tiết kiệm được bao nhiêu. Chính vì thế rất khó để họ nhận thấy được lợi ích khi tham gia vào DVNL. Đây cũng là trở ngại lớn cho việc phát triển dịch vụ này tại Việt Nam.
“Cái khó để triển khai DVNL ở Việt Nam đó là chúng ta thiếu những bộ phận am hiểu sâu về chuyên môn và công nghệ. Mặt khác, DN Việt còn rất thiếu những thông tin về quản trị, công nghệ và năng lượng nên cũng rất khó khăn để xây dựng định mức tính toán. Đó là rào cản lớn nhất để phát triển DVNL. Đặc biệt, lãi suất quá cao DN e ngại nên thiếu nguồn vốn để đầu tư kinh doanh", ông Huỳnh Kim Tước nhận định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với tình hình hiện tại của Việt Nam, các ngành công nghiệp nặng như sắt thép, xi măng và các ngành công nghiệp chế biến như thủy sản, thực phẩm là những ngành có nhiều tiềm năng để hợp tác, sử dụng DVNL. Tuy nhiên những dự án đó đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn và đây là rào cản, khó khăn đối với DN DVNL.
Thực tế cho thấy, ở các nước phát triển, loại hình sản phẩm này đã khá phổ biến. Nếu xây dựng được cơ chế hoạt động, thị trường DVNL Việt Nam sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại và khi đó khó khăn cơ bản sẽ được tháo gỡ./.