Vốn có nhưng chẳng dễ vay...
Theo số liệu công bố của NHNN, tính đến tháng 9, huy động vốn tăng 10,49% so với cuối năm 2012 trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 6,05% so với cuối năm 2012.
Nhiều ý kiến cho rằng, lượng vốn chảy vào NH tăng nhiều hơn so với lượng cho vay ra, điều này đồng nghĩa với việc hiện nay NH không thiếu vốn để cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN vẫn kêu khó tiếp cận vốn NH ngay cả khi mặt bằng lãi suất đã giảm từ 2-4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư thương mại Việt Á, Phạm Thị Loan cho biết: “Để tiếp cận vốn NH không phải đơn giản. Dù NH có tiền cho vay, Chính phủ cũng đã có các biện pháp giảm lãi suất, nhưng trong thực tiễn không phải DN nào cũng tiếp cận được vốn NH. Có rất nhiều dự án không thuyết phục được NH, vì bây giờ NH cũng rất sợ, e ngại về việc có thu đòi được công nợ hay không”.
"Lõi" chính là DN quản trị dòng tiền yếu...
Các chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những bế tắc quan trọng khiến dòng vốn của NH chưa đến được DN chính là DN đi vay chưa chứng minh được kế hoạch sử dụng vốn vay chuẩn xác và đủ tin cậy. Sự chia sẻ về tình hình sử dụng vốn của DN với NH cũng còn khá dè dặt.
|
 |
Hầu hết các DN mới quản lý tiền theo góc độ đơn giản là thu chi, mà chưa có kế hoạch dòng tiền |
 |
|
Ông Đặng Đức Sơn
|
|
Ông Trương Tuấn Nghĩa, Phó TGĐ Tập đoàn Asiainvest cũng cho hay, “DN chưa chứng minh được với NH kế hoạch sử dụng dòng tiền và hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn ấy. Trong khi, câu hỏi quan trọng nhất mà các NH quan tâm và cần DN trả lời được khi cho vay là: Bao giờ và bằng cách như thế nào anh có thể trả lại nguồn vốn ấy?”.
Về vấn đề này, ông Đặng Đức Sơn, Chủ tịch Viện Quản trị tài chính AFC cũng cho rằng, các DN rất yếu trong việc quản trị dòng tiền nên họ không tự tin khi tiếp cận với NH để vay vốn kinh doanh.
“Thông tin giữa một bên cấp vốn là NH và bên nhận vốn là DN còn nhiều khó khăn. Các NH vẫn phải dựa trên nhiều hồ sơ mà không phục vụ trực tiếp cho việc cho vay. Trong báo cáo tài chính của DN, việc báo cáo về dòng tiền thường không có sẵn, làm cho NH khá ngần ngại”, ông Sơn nhấn mạnh.
Hầu hết các DN mới quản lý tiền theo góc độ đơn giản là thu - chi, mà chưa có kế hoạch dòng tiền. Đặc biệt, chưa có giải pháp làm việc với các bên về cung cấp tài chính về dòng tiền thực sự vận hành trong DN. Điều này gây ra sự bế tắc giữa một bên nhận vốn và một bên cho vay vốn. Và dẫn đến việc các NH và DN vẫn chưa hiểu nhau trong việc làm sao xử lý các vấn đề liên quan tới dòng tiền của DN, ông Đặng Đức Sơn khẳng định./.