FTA là giải pháp hàng đầu để thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các thị trường. Bởi một trong số mục tiêu quan trọng của FTA là giảm thiểu, tiến tới gỡ bỏ hàng rào về mặt thuế quan. Tuy nhiên, khi rào cản thuế quan bị gỡ bỏ, thì lại có những rào cản khác chông gai hơn như là quy định về kinh doanh và phát triển bền vững.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW đánh giá, quy định này sẽ có tác động lớn và làm thay đổi đến cách làm ăn truyền thống của các DN Việt Nam, thậm chí sẽ gây tổn thương trong ngắn hạn. “Những ngành mà Việt Nam dễ bị tổn thương chính là những ngành mà Việt Nam đang có lợi thế so sánh. Tức là những ngành dựa vào hàm lượng lao động cao, hàm lượng sử dụng điều kiện tự nhiên cao như nông sản, da giày, dệt may, đồ gỗ…”, ông Thành cho biết.
Một trong những băn khoăn lớn nhất của khối DN Việt Nam, đặc biệt là các DN đang coi châu Âu là thị trường xuất khẩu chủ lực đó là, rất có thể những quy định khắt khe và ngặt nghèo về tính kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường và thậm chí liên quan đến cả yếu tố sử dụng lao động chính là một hình thức bảo hộ thị trường nội địa một cách khéo léo của các đối tác châu Âu. Đặc biệt trong bối cảnh tự do thương mại và các rào cản thuế quan ngày càng trở nên mờ nhạt và mất dần hiệu lực.
“Vấn đề phát triển bền vững là cần thiết. Về dài hạn thì điều này rất phù hợp với quá trình chuyển đổi, cách thức phát triển, tăng trưởng cũng như thúc đẩy cạnh tranh của DN Việt Nam. Tuy nhiên, đứng về ngắn hạn và trung hạn thì có thể họ sẽ lạm dụng quy định này như một hàng rào bảo hộ, gây tổn thương cho DN Việt Nam”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ CSTM Đa biên - Bộ Công thương, hiệp định FTA mà hai bên đang thảo luận sẽ tạo ra giải pháp cho những sự khác biệt về sự phát triển bền vững của hai bên thay vì đặt ra các nghĩa vụ. "Tôi cho rằng chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn và có cách tiếp cận phù hợp để đạt được mục tiêu về phát triển bền vững này. Quy định về phát triển bền vững nên được nhìn nhận đúng đắn như một cơ hội phát triển lên một mức cao hơn dành cho Việt Nam thay vì coi đây là một thách thức khó có thể vượt qua", ông Dũng nói.
Trên thực tến thời gian vừa qua, phía EU đang có rất nhiều động thái nhằm hỗ trợ DN Việt Nam tiến gần hơn đến nhận thức bài bản về kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh. Điển hình là chùm sự kiện về “Những giải pháp kinh doanh xanh của châu Âu dành cho Việt Nam” diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua. Dư luận đánh giá đây là cách tiếp cận sáng tạo, toàn diện mà phía đối tác dành cho Việt Nam./.