Hội thảo là hoạt động nằm trong Chương trình Đối thoại chính sách pháp luật TMĐT Việt Nam - Nhật Bản, được tổ chức thường niên, nhằm tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực TMĐT nhân dịp kỷ niện 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, thông qua những cuộc hội thảo này sẽ là cơ sở để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động TMĐT của Việt Nam cũng như tạo cơ hội tốt cho DN Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm mà DN Nhật Bản có được trong lĩnh vực TMĐT.
Hội thảo tập trung vào việc tạo môi trường pháp lý cho TMĐT, phát triển TMĐT trên thiết bị điện thoại di động, TMĐT trong lĩnh vực phân phối…
Ông Takashi Okita đến từ Cty Veri Trans của Nhật, người đã có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT đã chia sẻ những kinh nghiệm mà DN của ông cũng như các DN Nhật Bản đã làm để phát triển TMĐT tại Nhật.
Theo ông Takashi Okita, để phát triển TMĐT cần phải hội đủ ba yếu tố sau: có lượng người truy cập mạng tương đối lớn, vốn cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật (khá lớn) và nhân lực có kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Theo các DN đến từ Nhật Bản, hiện nay người Nhật sử dụng điện thoại di động công nghệ cao, hay nói cách khác là smartphone khá nhiều, do đó rất thuận lợi cho việc phát triển TMĐT qua điện thoại di động. Mà điều này cũng có thể áp dụng đối với Việt Nam.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho rằng, hiện nay nước ta có 120 triệu thuê bao di động, số người dùng smartphone cũng khá nhiều và trên 34 triệu người truy cập internet. Điều này rất thuận lợi cho việc phát triển TMĐT.
Tuy nhiên, ông Linh cũng cho biết, một trong những trở ngại trong TMĐT của Việt Nam hiện nay đó là chất lượng sản phẩm kém so với quảng cáo, giá còn cao, dịch vụ vận chuyển, giao nhận chưa chuyên nghiệp… Chính những điều này khiến nhiều người ngại mua sắm qua mạng cũng như phát triển thêm các kênh mua sắm trực tuyến./.