Hết gạo… chạy rông?
Các cụ ngày xưa đã có câu: "Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ". Người ta cũng đã nghiệm ra một điều cốt tử rằng, khi nào kinh tế khủng hoảng, cứ phát triển nông nghiệp, bám vào đất đai là "sống". Dù thời buổi có khó khăn đến đâu, con người vẫn cứ phải ăn - do đó, đầu tư vào làm những mặt hàng thiết yếu không bao giờ bị quay lưng. Nhưng không bị quay lưng không có nghĩa là cầm chắc lãi.
 |
Lợn nuôi lấy giống từ lợn rừng đang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: HG |
Anh Nguyễn Việt Thái nhà ở đường Láng Hạ (Hà Nội), một kiến trúc sư đã 20 năm trong nghề, từng làm trong một viện thiết kế, có công ty kiến trúc của riêng mình (Công ty TNHH Thiết kế kiến trúc và xây dựng Hà Thái), nhưng mấy năm nay xây dựng đình trệ nên công ty anh cũng chỉ hoạt động cầm chừng.
Từ đầu năm 2013 đến nay, hầu hết công việc ở công ty là việc gối đầu từ năm trước, hợp đồng mới chưa ký được cái nào. Nhân viên công ty bị chậm lương nên đã "ra đi" vãn, chỉ còn lại vài ba người bám trụ. Mỗi sáng, mở mắt dậy anh đã nghĩ đến mười mấy triệu tiền thuê mặt bằng công ty hàng tháng, rồi tiền điện, nước, thuế, lương nhân viên… mà tối tăm mặt mũi.
Một lần, trong khi vắt óc nghĩ kế sách, anh đã nghĩ đến mảnh đất mua từ hồi nảo hồi nào. Cách đây 10, 15 năm, rất nhiều công chức, viên chức dành dụm được chút tiền, rủ nhau thuê, mua đất rừng, đất đồi ở những huyện ngoại thành Hà Nội, dự định khi có điều kiện hơn sẽ xây dựng những biệt thự, nhà nghỉ cuối tuần ở đây. Anh Thái cùng nhóm bạn bè, kỹ sư xây dựng có, bác sỹ có, kinh doanh bất động sản cũng có, mỗi người mua vài mảnh như thế.
Nhưng rồi cơn suy thoái kinh tế, kèm theo những biến động của thị trường chứng khoán, nhà đất nhiều năm qua đã khiến cho những mảnh đất đã khoanh vùng kia, có đến nhiều nhiều héc-ta trở nên hoang hóa. Cứ một vài tháng, anh Thái lại dong xe lên đứng ngắm nghía một hồi, nén tiếng thở dài.
Gần đây, mấy người bạn dạo mua chung đám đất rủ anh đầu tư chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại quy mô lớn. Cũng là chán cảnh rỗi rãi chờ việc, anh đồng ý tham gia, đầu tư san lấp, xây dựng chuồng trại đàng hoàng. Cả nhóm thống nhất làm hệ thống xử lý chất thải khép kín, tận dụng nguồn Bioga nấu thay cho ga công nghiệp, không xả thải gây ô nhiễm ra môi trường.
Nhoáng một cái, trại lợn đã tiêu tốn của anh hơn 2 tỷ bạc. Anh Thái ký hợp đồng với một công ty đầu tư nước ngoài, lấy giống lợn của họ, thức ăn chăn nuôi cũng do họ giao, đồng thời đầu ra họ bao tiêu trọn gói. Thực chất là anh tận dụng mảnh đất đã có, đầu tư chuồng trại, thuê nhân lực địa phương chăn nuôi. Anh nhập lợn vào chỉ 6kg/con, sau khoảng 5 tháng là xuất chuồng, mỗi con đã lên tới cả tạ...
Một trường hợp khác là chị Minh Xuân ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) - người đã 20 năm gắn bó với nghiệp nhà băng. Gần đây cũng bị giảm lương, chậm lương. Chị đã "dứt áo ra đi" khỏi cái nơi đầy mùi tiền đó, ngoắt sang nghề... nuôi lợn - dù cho cả nhà chị không ai đồng tình phụ giúp cho cái việc đầu tư rất xa lạ với gia đình trí thức, doanh nhân.
Thân gái dặm trường, chị về nơi có mấy héc-ta đất mua đã lâu, thuê nhân công san ủi, làm chuồng trại mất đến tiền tỷ. Chị không chịu nuôi lợn thuê cho doanh nghiệp nước ngoài như anh Thái, mà nhắm vào mặt hàng thịt lợn đặc sản. Nghe có người nuôi lợn rừng lãi hàng trăm triệu/tháng, chị quyết định học theo, mua giống lợn rừng, màu đen, lông dài để nuôi, bán cho khách sành ăn, sợ thịt tăng trọng.
Khóc, cười trí thức học nghề nông
Không biết trí thức đầu tư làm nông nghiệp thì tính toán có khá hơn bà con nông dân hay không. Nông dân chăn nuôi thường lấy công làm lãi, chi phí rất tiết kiệm. Các trí thức nơi thành phố đầu tư vào chăn nuôi thì rõ ràng là bỏ ra số vốn lớn để xây dựng chuồng trại, chưa kể tiền mua, thuê đất ban đầu. Hơn nữa, nuôi lợn… từ xa, liệu có sâu sát bằng bà con ta nuôi lợn nhà hay không?
Anh Nguyễn Việt Thái cứ một tuần lại mất vài lần "đánh" xe con về thăm lợn, không biết rồi lãi lời có bù đắp được chi phí xăng xe? Chỉ biết rằng, từ nay anh có việc để đầu óc, chân tay bận rộn: Anh học hỏi kinh nghiệm của người dân, mua tài liệu, sách báo về chăn nuôi, vào mạng truy cập tìm hiểu cách xử lý khi lợn ốm, bỏ ăn như thế nào.
Theo tính toán của anh Thái, mỗi con lợn xuất chuồng, trừ chi phí thuê nhân công, cho lãi 1.500 đ/kg. Với đàn lợn 1.500 con mỗi lứa, 1 năm nuôi 2 lứa vị chi 3.000 con, nếu đàn lợn cứ lớn phởn phơ như thế này, thì sau 5 năm, anh… hoà vốn. Từ năm thứ 6 trở đi, anh sẽ lãi ròng 450 triệu đồng/năm.
Con số này nghe cũng đáng đầu tư lắm, nhưng nhiều người lại bảo anh “đếm cua trong lỗ” - lãi được như thế thì đã ối người làm, năm nào chăn nuôi chả lao đao vì dịch tai xanh tai đỏ! Nhưng anh vẫn tỏ ra quyết tâm lắm: "Làm được chứ sao không? Quan trọng là làm như thế nào, và làm đúng thời điểm thì chắc chắn có lãi!" - anh Thái khẳng định.
Mỗi lần đi uống bia với bạn bè, ai cũng hỏi thăm sức khỏe… đàn lợn của anh. Lần xuất đàn lợn thịt đầu tiên, anh vui như sự kiện trọng đại, lại một bữa ăn mừng với bạn bè, mở sâm banh hẳn hoi, có khác gì kỷ niệm ngày cưới. Và mỗi ngày qua, anh lại phập phồng lo lắng, hồi hộp và hy vọng…
Chị Minh Xuân thì tâm sự rằng, mình đã hao tâm tổn trí cả năm trời. Gia đình có lúc cũng tiếng bấc, tiếng chì nặng nhẹ. Chồng chị, một cán bộ nghiên cứu khoa học còn nói chị sắp 50 tuổi đến nơi vẫn còn nông nổi, viển vông... Một năm đã đi qua, dãy chuồng trại khang trang mới có được… 10 con lợn đen (giống lợn rừng), nuôi mãi cũng chỉ lớn chút chút. Tuy 10 con lợn này đều đã được bạn bè thương cảm mà nhận bao tiêu hết, nhưng với số vốn bỏ ra không nhỏ, ai có thể tính được bao giờ thì ‘bài toán có đáp số dương’?
Hỏi anh Thái, rằng sao lại chọn mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp, anh Thái trả lời: "Mình cũng chỉ dám thử sức ở một khâu của quy trình chăn nuôi mà thôi. Đã có doanh nghiệp người ta giao cho giống, thức ăn, lại bao tiêu sản phẩm. Chứ dân văn phòng như mình thì biết giết mổ lợn, giao hàng bán lẻ thịt ra thị trường ra sao?".
Còn chị Xuân thì cho biết, với lứa lợn rừng nuôi thử nghiệm này, chị sẽ thuê người đến mổ, sơ chế giúp bạn bè. Từ lứa sau, chị sẽ không làm khâu giết mổ lợn và bán lẻ, mà sử dụng khả năng về công nghệ thông tin của mình và gia đình để lập trang web, rao bán lợn hơi đặc sản trên mạng...
Việc quay lại tận dụng nguồn lực từ những mảnh đất đồi, đất ruộng đang bỏ không, dù chưa biết được - thua ra sao, cũng là một động thái tích cực. Đó cũng là một cuộc "dấn thân", "thử sức mình" của những trí thức không "buông tay chịu trói" trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Các loại thịt lợn rừng, thịt lợn mán (nuôi thả vườn ở vùng cao), thịt lợn sạch (không cho ăn cám tăng trọng), lợn giống được rao bán rộng rãi trên mạng. Thậm chí, dịch vụ cung cấp các loại thịt lợn sạch trên còn nhận sơ chế, chế biến và giao hành tận nơi theo yêu cầu của khách hàng tại khu vực Hà Nội. Giá tham khảo: Lợn mán nguyên con (15kg/con) 110.000đ/kg; lợn rừng nguyên con 130.000đ/kg; thịt lợn rừng phi lê 155.000đ/kg.
|