>> Phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp về TPP
Ông Trường nói: Chúng tôi đánh giá rất cao về Hội nghị ngày hôm nay mà Bộ Công thương tổ chức. Đây là dịp để các DN hiểu rõ hơn về Hiệp định TPP.
* Có những đánh giá cho thấy là các DN đang khá mù mờ về Hiệp định TPP, đặc biệt là sự hiểu biết về những điều khoản trong TPP. Theo ông, các DN nên tham vấn cho đoàn đàm phán như thế nào?
- Ngành dệt may Việt Nam là ngành có liên quan và lợi ích quan trọng trong Hiệp định TPP. Chúng tôi có theo dõi và liên tục đồng hành với đoàn đàm phán từ phiên thứ 7 cho đến nay. Chúng tôi cho rằng, đối với Hiệp định TPP, nội dung của nó ảnh hưởng trực tiếp đến các DN, các ngành nghề kinh doanh, vì nó bao gồm quy tắc xuất xứ, mở cửa thị trường, đặc biệt là các điều khoản về thuế quan, cả cho hàng NK và hàng XK.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về ảnh hưởng của các quy tắc của TPP đối với sự phát triển của các DN như thế nào?
- Có thể nói, các quy tắc của Hiệp định có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN. Nội dung của Hiệp định ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tăng trưởng, phát triển hoặc những khó khăn hơn của DN.
|
Ông Lê Tiến Trường: "Rất ít DN chủ động tham vấn với đoàn đàm phán về Hiệp định TPP". Ảnh: MN. |
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, hoạt động tham vấn của DN đối với đoàn đàm phán chưa thực sự hiệu quả. Đoàn đàm phán đã nhiều lần có lời kêu gọi tham gia, tham vấn, tham gia các hội nghị bên lề của các vòng đàm phán (vì tất cả các vòng đàm phán đều có hội nghị bên lề dành cho các bên liên quan). Tuy nhiên, chỉ có Tập đoàn Dệt may Việt Nam tham gia 14 vòng, ngành da giày tham gia 3 vòng gần đây. Còn lại các ngành khác hiểu biết rất hạn chế và ít có hoạt động tham vấn với đoàn.
Chúng tôi cho rằng đây là trách nhiệm của cộng đồng DN. Các DN cần phải có sự chủ động cao hơn, vì đây là những yếu tố thiết thực và ảnh hưởng trực tiếp đến DN trong dài hạn, tránh tình trạng khi Hiệp định có hiệu lực, có những điểm khó khăn thì lúc ấy mới có những nhận xét, phát biểu thì không còn đủ thời gian để chúng ta thay đổi nữa.
* Để biến cơ hội thành lợi ích thì hiện nay Tập đoàn dệt may đã có những động thái cụ thể như thế nào?
- Đối với ngành dệt may Việt Nam, trong quá tình đàm phán chúng tôi có theo dõi, hiện tại các bên có sự thỏa thuận về quy tắc xuất xứ của hàng dệt may. Tất nhiên có quan tâm đến tỷ lệ nguyên liệu được sản xuất trong nội khối TPP. Căn cứ vào những quy định này, Tập đoàn đã có những hướng đi, chủ động đầu tư thêm trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu. Đến thời điểm này thì chúng tôi hoàn toàn có thể chủ động về năng lực sản xuất sợi.
Khi quy tắc xuất xứ từ sợi được thực thi thì chúng tôi cũng đã có đủ lượng sợi sản xuất trong nước. Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị cho lĩnh vực dệt kim, dệt thoi để có tỷ trọng nguyên liệu vải cho dệt may tốt hơn. Năm 2013 này, khả năng tỷ lệ nội địa hóa có thể đạt được khoảng 52%. Với tác động hiệu ứng của TPP, đến năm 2015 chắc chắn sẽ vượt trên 60% tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!