Đây là một trong những nội dung của Nghị định 161/2013/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quy định về đăng ký, mua bán và đóng mới tàu biển.
Nghị định cũng quy định, việc mua, bán tàu biển giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế với ít nhất có 3 người chào hàng là chủ sở hữu hoặc người môi giới.
Đối với dự án đóng mới tàu biển của doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước được thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh với ít nhất 3 nhà máy đóng tàu hoặc đại diện nhà máy đóng tàu.
Hình thức mua, bán, đóng mới tàu biển của doanh nghiệp không có vốn nhà nước hoặc của tổ chức, cá nhân do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự quyết định.
Về thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển, căn cứ: quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển; hợp đồng mua, bán, đóng mới tàu biển; biên bản giao nhận tàu biển và văn bản xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam sau khi thực hiện kiểm tra lần đầu đối với tàu biển nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển. Việc kiểm tra thực tế tàu biển xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện tại Việt Nam hoặc các địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.
Mua, bán, đóng mới tàu biển là hoạt động đầu tư đặc thù. Do vậy ngoài những quy định trên, Nghị định này còn quy định cụ thể trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương; quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển.
Tàu biển được mua, bán, đóng mới phải đáp ứng điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014./.