Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương theo Công văn 7558 được NHNN đưa ra nhằm kịp thời đáp ứng về vốn của DN. Các DN sẽ có cơ hội xoay xở nguồn vốn, nhằm phục vụ cho dự án sản xuất - kinh doanh của mình. Bởi lẽ, trên thực tế, xưa nay, các NHTM của nước ta rất ngại cung ứng vốn cho doanh nghiệp có tiền sử nợ xấu, vì lo ngại rủi ro gia tăng.
Tuy nhiên, quy định này vẫn chứa đựng nhiều bất cập, đó là việc chưa rõ ràng về tiêu chí đánh giá “dự án khả thi”, hay quy định về thời gian chỉ được áp dụng đến hết năm 2013. Đây cũng là đánh giá của ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH 4P.
|
|
![]() |
Tôi cho rằng, với công văn 7558 thì khả năng khơi thông nguồn vốn không nhiều. |
![]() |
|
Ông Hoàng Minh Trí
|
|
|
* Công văn 7558 của NHNN có quy định các DN có nợ xấu vẫn tiếp tục vay vốn ngân hàng. Ông đánh giá như thế nào về quy định này?
- Đây là một quy định thuận lợi cho DN khi mà nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay. Cách đây không lâu, đã xảy ra vụ việc của Công ty Phương Nam (Sóc Trăng ), bằng việc cùng phối hợp với NH cơ cấu lại vay nợ, giãn nợ mà sau 4 tháng đại gia thủy sản nợ trên 1.500 tỷ đồng này đã bắt đầu có lãi, với kim ngạch xuất khẩu gần 8 triệu USD.
Rõ ràng việc NHNN đưa ra phương hướng tạo điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn cho DN đang vướng nợ xấu là một động thái tích cực. Tuy nhiên, đến nay, nhiều DN vẫn kêu ca vì vẫn khó với tới nguồn vốn với những hạn chế trong quy định mới này.
* Ông có thể đánh giá về một số điểm hạn chế cơ bản trong quy định này?
- Thời hạn áp dụng quá ngắn là một hạn chế. Chúng ta đều biết, nợ xấu phát sinh ra từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ chính khoản vay từ ngân hàng.
Ví dụ như trong thời điểm kinh tế khó khăn, lãi suất của ngân hàng quá cao, thậm chí cao hơn cả khả năng sinh lời của DN. Điều đó, làm cho khả năng trả nợ của DN bị giảm, phát sinh ra nợ xấu. Thậm chí, cái đó tích lũy lại và làm cho nợ xấu ngày càng tăng lên.
Do đó, việc ngân hàng phải cùng DN phân loại nguồn gốc nợ xấu và cùng DN thực hiện tốt quy định mới này sẽ mất một thời gian nhất định. Mà từ giờ đến cuối năm chỉ còn hơn 1 tháng nên tôi cho rằng sẽ rất khó khăn.
Trong giai đoạn này, theo thông lệ, các DN đang tập trung sản xuất cũng như kế hoạch kinh doanh chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Nhưng do kinh tế khó khăn nên việc chuẩn bị chưa được nhiều. Cho nên, việc NHNN ra văn bản mới này, mục tiêu là tốt, nhưng việc để “ngấm” vào nền kinh tế thì thời gian hơn 1 tháng là không đủ.
Bên cạnh đó, tiêu chí để xác định theo đúng hướng dẫn của công văn không rõ ràng. Ví dụ như tiêu chí về dự án khả thi, như thế nào là khả thi cũng cần phải có hướng dẫn chi tiết.
Chính vì vậy nên tôi cho rằng, với công văn 7558 thì khả năng khơi thông nguồn vốn không nhiều.
* Công văn quy định, các DN không có tài sản thế chấp thì có thể xem xét vay tín chấp hoặc vay trên dòng tiền hoạt động ra của DN. Theo ông đánh giá trên thực tế hiện nay thì việc triển khai hoạt động vay như thế ở Việt Nam có thuận lợi không?
- Xưa nay, các ngân hàng Việt Nam hay cho vay theo thế chấp. Nhưng do các tài sản thế chấp đã được sử dụng rồi, do đó muốn tháo gỡ nợ cho DN thì rõ ràng ngân hàng phải áp dụng theo hình thức tín chấp hoặc căn cứ theo lượng tiền. Tôi cho rằng như thế mới là đúng.
Bởi vì, giá trị tài sản mà trước giờ DN đưa vào thế chấp khó mà được xác định được chính xác và không thể đảm bảo cho khả năng thanh toán thực sự của DN. Quan trọng là phải căn cứ vào dòng tiền và các hoạt động kinh doanh của DN.
Tuy nhiên, chắc chắn khi triển khai sẽ gặp khó khăn. Vì vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ nhiều DN báo cáo chưa rõ ràng, chưa đủ độ tin cậy đối với ngân hàng. Trên thực tế, DN của nước ta không chia sẽ hết thông tin cho ngân hàng để đôi bên cùng đánh giá và có những phương án giải quyết.
Là tín chấp, nên độ tin cậy trong mối quan hệ giữa DN và ngân hàng phải được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, DN cần phải mình bạch trong hệ thống báo cáo tài chính, dự án cũng như mọi hoạt động kinh doanh của mình.
* Xin cám ơn ông!