Theo Tổng cục thống kê, cả nước có hơn 90 triệu dân, trong đó có khoảng 50 triệu lao động. Với mức tăng trưởng dân số như hiện tại, dự kiến đến năm 2020, trung bình mỗi năm nước ta có thêm 700.000 lao động.
Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ về chất lượng nguồn nhân lực được cơ quan chức năng đưa ra là hiện tại có đến 58% lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Người lao động thường chỉ có sức lực, kinh nghiệm mà còn thiếu kỹ năng, trình độ được đào tạo bài bản.
 |
Tuy cắt giảm nhân sự nhưng nhiều DN than vẫn “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: TU
|
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay trong doanh nghiệp quá yếu kém, mới chỉ có lợi thế về phân khúc lao động thủ công, đơn giản. “Một trong những thế mạnh của Việt Nam là nguồn lao động dồi dào nhưng tính chuyên nghiệp hóa trong lao động lại chưa cao”, ông Nguyễn Trung Hưng – Giám đốc điều hành Cty CP két bạc & hệ thống an toàn Kangaroo nói.
Trong khi đó, với xu thế toàn cầu hóa và đặc biệt khi Việt Nam đang và sẽ tham gia vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương, doanh nghiệp bắt đầu nhìn nhận rằng chỉ có thể phát triển bền vững khi nắm trong tay nguồn nhân lực thực sự chất lượng.
Ông Nguyễn Tiến Luận - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nhân lực Ladeco cho biết, dù đa số DN vẫn chưa thoát khỏi khó khăn và có xu hướng cắt giảm nhân sự, nhưng tình hình càng khó thì doanh nghiệp càng cần người tài vào các vị trí điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi tuyển nhân sự chất lượng cao vì nguồn cung lao động không đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. "Các vị trí mà doanh nghiệp cần như giám đốc điều hành, phó giám đốc, trưởng phòng… thậm chí không có người tham gia tuyển dụng”, ông Luận nhấn mạnh.
PGS. TS Lê Quân - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia EduViet Corporation nhận định: “DN Việt Nam hiện đang đầu tư rất thấp cho chiến lược nhân sự. Một số DN tự cho là có chiến lược nhân sự, nhưng khi xem xét kỹ chiến lược đó như thế nào, hoạt động ra sao thì hầu như chưa có gì cụ thể. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực sự đang là bài toán của doanh nghiệp…”.
Đã đến lúc, DN cần nhìn nhận chính xác hơn về vai trò của nguồn nhân lực trong sự sinh tồn và phát triển để có những chiến lược đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này. Cũng như, tận dụng những cơ hội tái cơ cấu nguồn nhân lực để xây dựng hệ thống nhân lực chất lượng.
Khủng hoảng và khó khăn của nền kinh tế cũng là cơ hội để DN nhìn nhận lại nguồn nhân sự, đúng như ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Hà nói: "Con số DN phá sản rất lớn trong năm qua là cơ hội tuyệt vời để chúng ta tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao. Đây là cơ hội để chúng ta sử dụng được những nhân sự tốt và thanh lọc những nhân sự không thực sự có tài năng"./.