Từ chuỗi cửa hàng đồ ăn...
Nhà hàng – được đánh giá là lĩnh vực được yêu thích nhất của các đại gia nước ngoài tại Việt Nam. Theo thống kê, lĩnh vực này chiếm gần 40% các DN nhượng quyền tham gia vào Việt Nam. Bao gồm các nhà hàng đồ ăn nhanh, cà phê, hải sản, bánh ngọt, kem,…
Ngày 22/11 vừa qua, Thương hiệu cà phê và bánh nổi tiếng của Mỹ là Dunkin’ Donuts chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam. Nhắm vào phân khúc thị trường tiềm năng của đối tượng khách hàng là giới trẻ, người làm văn phòng, gia đình trẻ, Dunkin’ Donuts có chiến lược “đổ bộ” đến các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam. Đến nay Dunkin' Donuts đã có khoảng 10.800 cửa hàng trên khắp thế giới. Riêng tại khu vực Đông Nam Á thì ở Philippines có gần 900 cửa hàng, Indonesia 300 cửa hàng và Thái Lan 240 cửa hàng.
Trước đó, vào giữa tháng 7, việc McDonald's công bố chính thức tiến vào thị trường Việt Nam thông qua đối tác nhượng quyền thương mại đã gây nhiều chú ý cho giới doanh nhân trong nước, không chỉ bởi độ nổi tiếng của thương hiệu này mà còn bởi mức phí ban đầu để mở đại lý nhượng quyền lên tới 45.000 USD. Việt Nam trở thành một trong 65 thị trường trên toàn thế giới được cấp phép nhượng quyền thương mại cho thương hiệu này.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến tốc độ mở rộng hệ thống nhanh như vũ bão hiện nay của các tên tuổi lớn như KFC, Lotteria, Gloria Jean Cafe, Coffe Bean & Tea Leaf, Bread Talk hay Pizza Hut… ở khu vực nội thành các thành phố lớn, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Dọc các tuyến phố lớn của Hà Nội và các trung tâm thương mại lớn, có thể dễ dàng quan sát, thấy rằng, hiện nay hầu hết những vị trí đắc địa đều có bóng dáng của các thương hiệu đồ ăn nhanh của nước ngoài, từ dọc phố Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Hoàng Đạo Thúy…đến Vincom, Royal city, Keangnam…
...Đến các thương hiệu thời trang
Thị trường thời trang Việt Nam cũng rất hấp dẫn DN kinh doanh nước ngoài. Các thương hiệu lớn trong ngành thời trang cũng bắt đầu tăng tốc mở rộng thị trường tại nước ta. Gần đây nhất phải kể đến sự trở lại của Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) vào tháng 4 đã hút nhiều đại gia hàng hiệu đẳng cấp quốc tế đổ bộ vào Việt Nam với hơn 40 thương hiệu quốc tế.
 |
Các thương hiệu lớn trong ngành thời trang cũng bắt đầu tăng tốc mở rộng thị trường tại nước ta. Ảnh: TU |
Phân khúc thị trường thời trang đang tràn ngập hàng ngoại. Từ những nhãn hiệu thời trang lừng danh thế giới như Louis Vuitton, Gucci, CK, Mango, Timberland2…đến các sản phẩm may mặc ít thương hiệu hơn từ các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc cạnh tranh ở phân khúc giá trung bình thấp.
Phải chăng DN Việt đã “lỡ nhịp”?
Theo thống kê, trong số hơn 700 siêu thị Việt Nam, có tới 40% là của các tập đoàn nước ngoài. Trong số 125 trung tâm thương mại của cả nước, các tập đoàn nước ngoài cũng đã chiếm 25%.
Rõ ràng, DN nước ngoài đang chiếm ưu thế trong việc nắm bắt và định hình xu thế và nhu cầu của thị trường. Tổng giám đốc chuỗi cửa hàng Phở 24, ông Lý Quý Trung từng nhận xét: "Giới trẻ ngày càng quen với thức ăn nhanh. Từ KFC, Lotteria đến Mc Donald hay một nhãn nào khác nữa sắp vào Việt Nam…tất cả đang đấy cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng hơn”.
Về thị trường thời trang may mặc, ngỡ tưởng là lợi thế của DN Việt thì phần lớn DN may mặc trong nước chỉ chú trọng xuất khẩu. Còn một số DN được xem có chỗ đứng trên thị trường nội địa như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10… cũng chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở trung bình dành cho nam giới. Thương hiệu trung bình dành cho cả nam và nữ giới có thể kể đến như Thời trang Việt, Foci, Việt Thy, Blue Exchange…có thị phần khá khiêm tốn.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thị trường tiêu thụ nội địa có rất nhiều tiềm năng với hơn 90 triệu dân và tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15 - 20%/năm. Nhưng chưa có một thương hiệu thời trang Việt Nam nào đủ mạnh và đáp ứng được nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, khi Việt Nam tham gia TPP, mức thuế nhập khẩu dành cho sản phẩm may mặc từ 20% hiện nay giảm xuống còn 0%, rất có thể, DN ngành may mặc sẽ bị thu hẹp thị phần khiêm tốn ở phân khúc trung bình hiện nay. Đây là thách thức lớn cho các DN thời trang trong nước.
Như vậy, các thương hiệu quốc tế từ “ăn” đến “mặc” vào Việt Nam sẽ tạo sức ép rất lớn lên DN trong nước. Bởi lẽ, DN ngoại vừa có tiềm lực tài chính vững mạnh, vừa giàu kinh nghiệm và trình độ quản lý hệ thống cao cùng với những dữ liệu nghiên cứu khảo sát thị trường sâu rộng.
Đánh giá về vấn đề này, TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, dường như các DN Việt ở một số phân khúc thị trường đã “lỡ nhịp” trong cuộc đua với các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế đòi hỏi DN trong nước phải tự vươn lên bằng đôi chân của mình. Bên cạnh đó, DN cần sự hỗ trợ về cơ chế, đặc biệt cơ chế cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng như sự nới lỏng giải ngân nguồn vốn từ phía ngân hàng thì mới có thể cạnh tranh với DN, tập đoàn nước ngoài./.