98% DN nhỏ và vừa thiếu chiến lược phát triển thương hiệu
Khái niệm thương hiệu đến Việt Nam khá muộn so với các nước khác trên thế giới với sự xuất hiện từ thập kỷ 90. Đặc biệt cho đến nay, khi nền kinh tế đang đi vào quỹ đạo đa phương hóa, toàn cầu hóa thì khái niệm này vẫn còn xa lạ với DN Việt Nam. Theo khảo sát của Viện Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) với hơn 500 DN thì có đến 98% DN nhỏ và vừa nước ta thiếu chiến lược phát triển thương hiệu.
“Thực sự DN chưa mặn mà với việc đầu tư chi phí xây dựng thương hiệu. Một phần do quy mô còn nhỏ, một phần là bên cạnh việc sản xuất hàng may mặc trong nước với thương hiệu của mình, chúng tôi còn nhận gia công cho DN Hàn Quốc”, Giám đốc Công ty may mặc Thu Hương (Hưng Yên), bà Trần Thị Thu Hương cho hay.
|
Trung Nguyên tổn hại lớn khi bị Rice Field "cướp" thương hiệu. Ảnh: TU |
Cho đến các thương hiệu đại gia
Không chỉ DNNVV với những tên tuổi mờ nhạt mà ngay cả những DN đã tạo được vị thế và chổ đứng trên thị trường vẫn “vô tình” để mất thương hiệu. Nhiều DN gặp phải khó khăn khi bị các công ty nước ngoài cướp mất thương hiệu nhằm kinh doanh dựa trên tên tuổi của thương hiệu Việt.
Trong đó phải kể đến, thương hiệu thuốc lá hàng đầu Việt Nam là Vinataba đã bị một DN của Indonexia đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước ASEAN. Sau thời gian dài tranh đấu và chi phí mất khoảng 1 tỷ đồng, ngày 24/1 vừa qua, thương hiệu Vinataba mới lấy lại được tên tại Lào.
Hay vụ việc xảy ra với thương hiệu cà phê nổi tiếng Việt Nam là Trung Nguyên, bị công ty Rice Field đăng kí bảo hộ thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ và WIPO (Tổ chức bảo hộ Trí tuệ Thế giới) vào đúng lúc Trung Nguyên bắt tay phát triển sản phẩm tại thị trường Hoa Kỳ. Điều này đã gây tổn thất to lớn cho DN này.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng"
Sự yếu kém về thương hiệu đã góp phần làm yếu khả năng cạnh tranh của DN. Thực tế cho thấy, hầu hết các DN ở Việt Nam chưa xây dựng được các thương hiệu mạnh, chưa khẳng định được uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm khuyến cáo, chưa có chiến lược đầu tư thích đáng và đầu tư dài hơi cho việc xây dựng thương hiệu và bản quyền sản phẩm – đó là một thực trạng đáng buồn của DN Việt Nam hiện nay. Việt Nam ngày càng gia nhập sâu hơn vào các tổ chức thương mại quốc tế, đã đến lúc DN cần có cái nhìn trực diện và dám đầu tư cho chiến lược xây dựng thương hiệu, đặc biệt là những DN xuất khẩu, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Hiện nay các DN Việt Nam chủ yếu thể hiện năng lực cạnh tranh thông qua giá cả. Trong tương lai, DN cần đặt ra cho mình những chiến lược bài bản để cạnh tranh, đi từ chất lượng cho tới việc xây dựng bản quyền, thương hiệu”./.