Hàng tồn vẫn là nỗi lo của 70% doanh nghiệp
Theo Bộ Công thương, so với cùng thời điểm cuối năm của năm 2012, hiện chỉ số tồn kho của một số ngành vẫn tăng. Dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: Sản xuất đồ uống tăng 2,6 lần, sản xuất giày, dép tăng 19,6%, sắt, thép, gang tăng 18,4%...
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hàng tồn kho vẫn đang là vấn đề lớn và là mối lo ngại của gần 70% doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, sự cải thiện trong việc giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt là các DNNVV là chưa đáng kể.
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà (Quảng Ninh), ông Phạm Văn Thể, cho biết: Hiện mỗi tháng công ty sản xuất khoảng 970.000m2 gạch. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ chỉ bằng 60-70% so với lượng sản phẩm làm ra.
“Công ty của tôi chủ yếu sản xuất đồ uống cho thị trường miền núi, hiện nay lượng hàng tồn kho vẫn còn khoảng 30% tổng lượng sản xuất trong năm. Do hạn sử dụng mặt hàng này có hạn nên chúng tôi đang gấp rút thực hiện các biện pháp để đẩy hàng trước dịp tết”, bà Nguyễn Minh Thanh, chủ nhãn hàng đồ uống Thanh Phương (Thanh Hóa) chia sẻ.
Chạy đua cùng thời gian
Vào thời điểm sắp kết thúc năm 2013, bức tranh kinh tế thế giới và trong nước vẫn không mấy sáng sủa, lại phải chạy đua với khoảng thời gian không còn nhiều của năm, các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giảm nhanh lượng hàng tồn kho.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, những tháng cuối năm tốc độ tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh, đồng thời đây là thời điểm các DN sản xuất hàng xuất khẩu trả nợ đơn hàng, nhất là ngành dệt may và giày dép sẽ giúp hàng tồn kho giảm mạnh.
|
Hàng may mặc áp dụng chiêu giảm giá sốc Ảnh: TL
|
Theo VCCI, các DN đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm giải pháp nhằm giải phóng hàng tồn như tìm kiếm thị trường xuất khẩu (49,9% DN áp dụng), giảm giá bán, quảng cáo, khuyến mại (28,7% DN áp dụng), đưa hàng về nông thôn (8,9% DN áp dụng).
Như vậy, một trong những giải pháp để giảm hàng tồn kho mà DN thực hiện đó là giảm giá thành. Hiện Cty CP tập đoàn Hoàng Hà đã tiến hành giảm 10% giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty đã tập trung chào hàng, mở rộng thêm thị trường ở khu vực Nam Mỹ, Trung Đông.
Cũng giống như vậy, Cty TNHH Tiến Động (Hà Nội) đang gấp rút triển khai các điểm bán hàng phục vụ dịp tết Nguyên đán. Đồng thời, “chúng tôi đang tham gia và tận dụng triệt để chào hàng tại các hội chợ trong nước và quốc tế vào dịp cuối năm. Chỉ có như vậy, sản phẩm tồn kho mới được giải phóng nhanh và cũng quảng bá thương hiệu tốt hơn”, ông Phạm Quốc Khánh - Giám đốc công ty này cho biết.
Để đi tắt đón đầu trong kế hoạch mua sắm tết Nguyên đán của người dân, cách đây 2 tháng, Công ty May Toàn Thắng (Tây Sơn, Hà Nội) với sản phẩm vải và may mặc đã mở thêm một cơ sở tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Ông Trịnh Quang Thắng, Giám đốc công ty chia sẻ: “Thời buổi khó khăn, chúng tôi cố gắng không để khách hàng nào đến với công ty phải bỏ đi, mà luôn nỗ lực thuyết phục, thỏa hiệp để đáp ứng mọi yêu cầu của khách"./.