Đây là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11, chiều nay (2/12).
Giá gas tăng là do giá nhập khẩu tăng
Chiều 30/11, các công ty gas tại TP.HCM như: Saigon Petro, Petrolimex, Gia Đình Gas, Pacific Gas... đã thông báo tăng thêm từ 78 - 79 nghìn đồng/bình 12kg. Với mức tăng “khủng” này, giá gas bán lẻ đã tăng vọt, phổ biến ở mức 485-491 nghìn đồng/bình. Tăng cao nhất kể từ đầu năm 2013 đến nay. Trước đó, gas trong nước lập kỷ lục về giá hồi tháng 3/2012, ở mức 470-480 nghìn đồng/bình.
Ông Chiến cho biết, mặt hàng gas sản xuất trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng gần 50%, còn lại hơn 50% là phải nhập khẩu từ nước ngoài. Theo báo cáo của Hiệp hội gas, giá gas thế giới nhập khẩu trong tháng 12 tăng 267,5 USD/tấn (lên mức 1.162,5 USD/tấn). Do đó, các DN bán lẻ gas đã tăng từ 70-80 nghìn đồng/bình 12 kg, tăng cao nhất kể từ đầu năm 2013 đến nay.
“Việc giá gas tăng thêm 70-80 nghìn đồng/bình 12kg vừa qua khiến dư luật rất bức xúc. Không các hộ gia đình trực tiếp sử dụng gas, mà ngay cả các đối tượng kinh doanh, sản xuất gas cũng bất ngờ khi giá gas tăng cao đến như vậy”, ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, việc giá gas tăng cao còn làm cho các DN kinh doanh gas cũng cảm thấy rất khó khăn. Ông Chiến nói: “Nếu giá gas cao như thế này thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng những nguyên liệu khác như củi, điện… và như thế thì các DN gas cũng sẽ gặp khó”.
Không có chuyện buông lỏng quản lý
Ông Chiến khẳng định: Không có chuyện buông lỏng trong quản lý, để giá gas tăng cao như vậy. “Việc điều hành giá gas hiện nay tuân theo quy định của Luật giá và Nghị định 177/NĐ/-CP mới được ban hàng ngày 14/11/2013. Theo đó, Bộ Công thương với cương vị là Bộ liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong vấn đề quản lý giá…”, ông Chiến nói.
|
|
 |
Không có chuyện buông lỏng trong quản lý, để giá gas tăng cao như vậy... |
 |
 |
Ông Nguyễn Xuân Chiến. |
|
|
Về các giải pháp để giữ thị trường gas ổn định, đại diện Bộ Công thương cho biết, thời gian tới Bộ Công thương sẽ đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 0%. Ngoài ra, về góc độ quản lý nhà nước, Bộ cũng sẽ có những biện pháp để hạn chế việc lợi dụng quyền tự tăng giá gas của các DN kinh doanh gas để tăng giá tùy tiện.
“Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo Cơ quan QLTT tiến hành kiểm tra các cơ sở, DN kinh doanh gas. Một trong những yếu tố để kiểm tra xem việc tăng giá có hợp lý hay không là cơ cấu hình thành giá. Nếu yếu tố hình thành giá không hợp lý, không đúng với các quy định của pháp luật thì sẽ xử lý nghiêm”, ông Chiến cho biết.
Bên cạnh các biện pháp quyết liệt như trên, Bộ Công thương cũng tiến hành rà soát các quy định của Nghị định 107/2009/NĐ-CP quy định về việc kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Nếu những quy định nào không còn phù hợp thì sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi.
Trước câu hỏi của báo chí về việc liệu Cty PP gas - một đơn vị chiếm thị phần lớn có lợi dụng vị trí "ông lớn" để thống lĩnh thị trường, tăng giá gas hay không? Ông Chiến cho biết, dù mặt hàng gas đã được quản lý theo cơ chế thị trường, DN có quyền định giá nếu giá nhập khẩu tăng. Tuy nhiên DN vẫn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Và DN vẫn phải tuân thủ việc kê khai giá, tiến hành bình ổn giá khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Các DN bán lẻ gas, kể cả những DN có thị phần lớn không phải muốn quyết định giá bán thế nào cũng được. Họ phải tuân theo quy định của Luật giá, Luật cạnh tranh cũng như các quy định khác có liên quan”, ông Chiến khẳng định.