Ông Cao Văn Sâm, Phó Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã cho biết như vậy tại Hội thảo “Hoạt động hướng nghiệp và đào tạo nghề nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam đến năm 2020”, do VCCI phối hợp với Tổng cục Dạy nghề Việt Nam, Đại Sứ quán Nhật Bản, Hiệp hội Phát triển kỹ năng nghề Nhật Bản tổ chức sáng nay 12/12, tại Hà Nội.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản về nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề tại Việt Nam, nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm về công tác hướng nghiệp, thực trạng công tác dạy nghề hiện nay tại Việt Nam; xu hướng phát triển trong các năm tới và vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với công tác dạy nghề; chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình quản lý và tổ chức hoạt động dạy nghề hiện nay tại Nhật Bản...
Phát biểu tại hội thảo, bà Yoko Tsuruya – Trưởng ban hợp tác Hải ngoại – Văn phòng phát triển nguồn nhân lực – Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết: “Đây là chương trình hợp tác giữa Nhật Bản và Asean để triển khai đào tạo nguồn nhân lực, hiện tại triển khai cho 4 nước Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Lào. Vừa qua, Nhật Bản đã phối hợp với Malaysia cùng nghiên cứu về hoạt động đào tạo nghề và mở khóa đào tạo bốn tháng về công nghệ ô tô, với sự tham gia đông đảo của học viên đến từ Việt Nam. Hội thảo này cũng nhằm mục đích triển khai kết quả nghiên cứu đó và cùng bàn bạc sâu hơn về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực”.
Theo các chuyên gia đánh giá, công tác dạy nghề của chúng ta hiện vẫn đang vướng mắc nhiều bất cập. Vì thế sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia vào hệ thống đào tạo nghề qua các kênh khác nhau, Nhà nước hay các tổ chức phi chính phủ trong nước đã đem lại cho người lao động những kiến thức cơ bản và kỹ năng sống, làm việc quy củ, là hành trang khi họ bước vào các công ty trong và ngoài nước một cách chuyên nghiệp.
“Hiện nay, ngoài các trường cao đẳng và trung cấp nghề, chúng ta có các trung tâm nghề của doanh nghiệp, cơ sở tại các làng nghề phân bố khắp cả nước, nhờ vậy mà số lao động qua học nghề cũng tăng nhanh. Điều đáng mừng là công tác dạy nghề đã bước đầu bám sát nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp. Do vậy, sau khi được đào tạo nghề có tới 70% học viên có việc làm”, ông Sâm nhấn mạnh./.