Đây là khuyến cáo của TS.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại "Diễn đàn: Các giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp 2014” tổ chức tại Hà Nội sáng nay (7/1).
Năm 2014 sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh, hợp tác mới
Các chuyên gia tại Diễn đàn cho rằng, năm 2013, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều thành tựu trong việc ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển tốt... Tuy nhiên, kèm theo đó vẫn còn khá nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Đặc biệt là việc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa có bước tiến đáng kể, tốc độ đổi mới công nghiệp còn chậm, năng suất lao động thấp, các yếu tố đầu vào cao... đe dọa tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, năm 2014 được dự đoán sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác mới cho Việt Nam, điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình đàm phán nhiều hiệp định thương mại và hợp tác khác như: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Trọng Hiệu – Cục phó Cục phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Năm 2014, Chính phủ cũng sẽ tập trung mạnh hơn những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tái cấu trúc, giải quyết hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; Đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa và tăng sự lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
|
|
 |
Để giảm thiểu tối đa rủi ro, doanh nghiệp chỉ nên kinh doanh ở lĩnh vực có lợi thế, các ngành nghề cốt lõi, không kinh doanh tràn lan, chạy theo đám đông. |
 |
|
Bà Phạm Thị Thu Hằng
Tổng thư ký VCCI
|
|
|
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiên định với các chính sách hỗ trợ sẽ tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp, trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng, quay trở lại hoạt động, cộng hưởng với cú hích từ gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp phải chủ động "cứu mình"
Đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2014, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI cho rằng: Bên cạnh các các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả của Nhà nước, doanh nghiệp cần phải chủ động “cứu mình” bằng những giải pháp phù hợp.
Theo bà Hằng, để giảm thiểu tối đa rủi ro, doanh nghiệp chỉ nên kinh doanh ở lĩnh vực có lợi thế, các ngành nghề cốt lõi, không kinh doanh tràn lan, chạy theo đám đông.
Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu đánh giá, nhiều doanh nghiệp nước ta chưa biết tận dụng cơ hội đến từ các chính sách của nhà nước và chính phủ. Đây cũng là điểm yếu của các doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp FDI.
"Lợi ích chính sách không đến ngẫu nhiên, thay vào đó doanh nghiệp cần phải chủ động cập nhật chính sách để có giải pháp phù hợp", ông Hiệu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết: Để thành công, doanh nghiệp cần thiết phải lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng và dài hạn, phải nhạy bén thay đổi chiến lược, phương thức kinh doanh và đầu tư trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh./.