Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, tham nhũng là một cản trở lớn nhất trong số 19 khó khăn mà các DN vận tải phải đối mặt. Thậm chí tham nhũng xếp hạng còn cao hơn những khó khăn khác như: các điều kiện và quy định về đường bộ, chi phí nhiên liệu.
Miền Nam tham nhũng nổi bật hơn
Tại Báo cáo Đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tham nhũng trong vận tải đường bộ ở miền Nam có biểu hiện nổi bật hơn so với miền Trung và miền Bắc. Tham nhũng được coi là một vấn nạn đối với các công ty vận tải và cũng là vấn đề các DN phải đối mặt nhiều hơn, khi vận chuyển hàng hóa đến các thành phố như Hà Nội và Hồ Chí Minh so với các thành phố lân cận hoặc các làng quê nông thôn.
Tham nhũng đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận của DN vận tải. Nghiên cứu của WB cho thấy, khoảng 8% chi phí của các DN vận tải là các khoản “chi phí bôi trơn” như là hối lộ. Theo so sánh thì chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 65%, chi phí hoạt động và tiền lương chiếm khoảng 16%. Điều này có nghĩa là “chi phí bôi trơn” bằng một nửa khoản chi cho tiền lương - một mức chi phí chiếm tỷ trọng rất đáng "kinh hãi" trong hoạt động của doanh nghiệp.
Các công ty vận tải miền Nam và miền Trung cho biết, các khoản chi phí bôi trơn của họ cao hơn so với các công ty miền Bắc với tỷ lệ gần 10% trên tổng chi phí hoạt động.
 |
Nâng cao cơ sở hạ tầng có thể giảm bớt tham nhũng trong vận tải đường bộ. Ảnh: cpv.org.vn |
Chi phí tham nhũng được tính cho khách hàng
Theo phân tích của WB, khoảng 76% chi phí của các công ty vận tải được tính cho khách hàng. Do vậy hầu hết các khoản chi phí tham nhũng cuối cùng lại do người tiêu dùng phải chịu thông qua mức giá cao hơn. Khi hàng hóa làm cho thị trường xuất khẩu thì những chi phí này do DN Việt Nam gánh chịu và gây khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với những đối thủ nước ngoài.
Bên cạnh đó, tham nhũng làm cho cơ sở hạ tầng đường bộ yếu kém, bởi tham nhũng cho phép lái xe chở quá giới hạn tải trọng là nguyên nhân khiến đường xá xuống cấp nhanh hơn. Đây là một khoản chi phí mà xã hội phải gánh chịu (khi bảo dưỡng và làm lại đường) và cũng làm tăng chi phí vận tải.
Làm gì để giảm bớt tham nhũng trong vận tải?
WB chứng minh rằng, một phần nguyên nhân của chi phí “bôi trơn” cao là do chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn. Nhiều con đường có những giới hạn về chiều cao và trọng tải đối với xe tải. Trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các DN ngày càng cao, các DN vi phạm giới hạn thì bị phạt.
Vì thế khi Việt Nam xây dựng những con đường có khả năng chịu tải tốt hơn, phù hợp với các hoạt động kinh tế lớn, đáp ứng được những xe công-ten-nơ chở hàng tiêu chuẩn cần phải có khi hội nhập toàn cầu, khi đó giới hạn về chiều cao và tải trọng sẽ giảm đi. Khi những giới hạn này ít đi thì cơ hội tham nhũng cũng sẽ giảm.
Ngoài ra, các quy định thường không được giải thích rõ ràng, công khai, để mở cho việc xử phạt tùy tiện khi các xe tải bị yêu cầu dừng lại cũng tạo cơ hội cho tham nhũng phát triển.
WB khuyến cáo, có hai cải cách hỗ trợ lẫn nhau và cần thiết cho Việt Nam. Đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng có thể giảm bớt tham nhũng và ngược lại. Những nỗ lực giảm thiểu tham nhũng sẽ giúp giảm bớt các vi phạm về giới hạn tải trọng và kéo dài tuổi thọ của những con đường. Còn các nỗ lực để cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông sẽ làm giảm yêu cầu về giới hạn chiều cao và tải trọng, một nguyên nhân tiếp tay cho tham nhũng./.