Cần tập trung xử lý dứt điểm hàng tồn kho
* Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2013 chỉ dừng ở mức 6,04%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
- Đó là kết quả tất yếu của việc chúng ta đã kiên định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, với trọng tâm là kiềm chế và kiểm soát lạm phát.
Kinh tế Việt Nam năm 2013 đã vượt qua đáy với mức tăng trưởng 5,42%, tỷ giá ổn định, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đều tăng mạnh. Có thể nói, nền kinh tế đã có một bước hồi phục.
|
|
 |
Một yếu tố vô cùng quan trọng cần phải thực hiện ngay, đó là tạo ra những hoạt động liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp. Tức là tạo ra một thị trường đầu ra ổn định cho nông nghiệp. |
 |
|
TS Vũ Đình Ánh
|
|
|
Chúng ta đều thấy rằng, kiềm chế lạm phát ở mức đó là một sự tiến bộ lớn đối với Việt Nam. Do Chính phủ đã có chính sách thắt chặt tiền tệ và tín dụng. Bên cạnh đó, sức mua của người dân cũng kém. Hiện tại, chúng ta đều thấy chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán mà sức mua của dân vẫn rất chậm, khiến thị trường đìu hiu.
* Thế còn những hạn chế, tồn tại đằng sau con số "đẹp" này là gì, thưa ông?
- Những kết quả nêu trên vẫn còn rất mong manh. Bởi vì những vấn đề lớn của nền kinh tế vẫn đang còn tồn tại. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, kết quả mà nước ta đạt được về kiềm chế lạm phát có hai mặt.
Một mặt liên quan đến các chính sách dùng để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có việc phục hồi lại các cân đối lớn của nền kinh tế, ví dụ như cán cân thương mại, tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán...để thông qua đó, tăng dự trữ ngoại hối. Đồng thời, kiềm chế mức thâm hụt và bội chi ngân sách nhà nước trong điều kiện vẫn thực hiện các biện pháp miễn, giảm, giãn các loại thuế, các khoản thu ngân sách nhà nước nhưng vẫn cố gắng đảm bảo các khoản chi ngân sách, đặc biệt đảm bảo an sinh xã hội.
Mặt khác cũng cần đề cập đến là "cái giá" mà chúng ta phải trả khi áp dụng các biện pháp thắt chặt để ổn định kinh tế vĩ mô.
Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị ngừng trệ. Hệ quả có thể thấy rõ ở một ví dụ cụ thể nhất, đó là năm 2013 đã có 60.700 DN bị giải thể. Điều này tác động đến công ăn, việc làm, thu nhập của một lượng không nhỏ người lao động.
Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng thấp như vậy cũng phản ánh sức mua, hay tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế có tốc độ tăng chậm. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng chỉ dừng ở mức trên dưới 30% GDP, cho thấy tổng cầu đầu tư cũng giảm. Và việc tổng cầu tiêu dùng và tổng cầu đầu tư giảm như vậy, sẽ tác động đến đầu ra của hoạt động sản xuất kinh doanh và tâm lý của người tiêu dùng.
Tôi cho rằng, đó cũng là điều mà chúng ta phải tập trung xử lý dứt điểm trong năm 2014, đặc biệt là vấn đề tồn kho. Nếu chúng ta xử lý tốt được vấn đề đó thì kết quả của kiềm chế lạm phát mới đạt được đúng mục tiêu đã đề ra.
Liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất nông nghiệp và DN
* Theo ông, với thực trạng kinh tế năm 2013 như vậy, năm 2014 nước ta cần có bước đột phá gì để ổn định và phát triển kinh tế?
- Năm 2014, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là cải cách mạnh mẽ và toàn diện thể chế kinh tế, thực hiện cạnh tranh, kiểm soát độc quyền... Đây là những thông điệp mạnh mẽ. Việt Nam đang đứng trước tình huống là nếu không cải cách thì kinh tế sẽ không thể tiến lên được và sẽ gặp khó khăn. Hy vọng thông điệp của Thủ tướng sẽ kết hợp với chương trình hành động cụ thể để đi vào thực tiễn hiệu quả.
|
Năm 2014, Nhật Bản sẽ đầu tư rất mạnh vào nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: chinhphu.vn |
Đông thời, năm 2014 nước ta vẫn đặt mục tiêu chính là ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao quay trở lại. Trên cơ sở đó, sẽ ổn định giá cả, kể cả những hàng hóa thiết yếu. Và chắc chắn, xã hội sẽ được thụ hưởng nhiều hơn những kết quả ổn định nền kinh tế vĩ mô đó.
Mặt khác, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, một nội dung khá quan trọng sẽ phải làm trong năm 2014 đó là ưu tiên cho phát triển nông nghiệp.
Có một điều mà tôi vẫn trăn trở, là thời gian qua, vùng kinh tế nông thôn, nông nghiệp, nông dân mà chúng ta vẫn hay gọi là tam nông tuy có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng chưa thực sự được chú trọng. Vấn đề sử dụng đất, sử dụng nguồn nhân lực và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây vẫn còn bỏ lửng bấy lâu nay. Hiện nay số lượng và quy mô của DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn hạn chế.
* Vậy theo ông, năm 2014, ngành nông nghiệp sẽ có những cơ hội gì để phát triển?
- Nông nghiệp, đặc biệt là ở vùng nông thôn hiện nay thu hút đầu tư rất khó khăn do hạ tầng kém, chất lượng lao động thấp, giáo dục đào tạo kém phát triển...
Tuy nhiên, năm 2014, khu vực này đang đứng trước một cơ hội lớn. Đó là năm 2015 sẽ có Cộng đồng kinh tế ASEAN, có nghĩa là việc thông thương với các nước láng giềng sẽ phát triển mạnh, biên giới sẽ mở ra, luồng hàng tăng mạnh...Trong tất cả các mặt hàng để xuất khẩu đến thị trường tiềm năng này thì rõ ràng, mặt hàng nông sản chiếm lợi thế hơn hẳn. Chúng ta có đủ khả năng, tiềm năng để đánh bật Thái Lan về nguồn nông sản.
Bên cạnh đó, Việt Nam cùng Nhật Bản sẽ gia nhập TPP, trong đó, Nhật Bản sẽ mở cửa đối với thị trường nông sản Việt Nam. Vì thế, Nhật sẽ đầu tư rất mạnh vào nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay, các DN và nông dân ở ĐBSCL đang chuẩn bị mạnh mẽ để đón nhận luồng đầu tư này. Nông sản Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Nhật và cùng với các DN của Nhật xuất khẩu sang thị trường thứ 3.
* Với những lợi thế như vậy, chúng ta cần làm gì để nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả để phát triển ngành nông nghiệp?
- Bên cạnh những yếu tố để tăng năng suất, chất lượng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư công nghệ vào sản suất..., tôi cho rằng, một yếu tố vô cùng quan trọng cần phải thực hiện ngay, đó là tạo ra những hoạt động liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp. Tức là tạo ra một thị trường đầu ra ổn định cho nông nghiệp.
* Xin cảm ơn ông!