* Các chuyên gia kinh tế và DN dự cảm năm 2014, nền kinh tế sẽ khởi sắc và doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi để ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
- Năm 2014, tiếp tục là một năm khó khăn, tuy nhiên vẫn có một số điểm ít nhiều thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
|
|
 |
Đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ vẫn là một điểm sáng kinh tế cho năm 2014 |
 |
|
TS.Võ Trí Thành
|
|
|
DN sẽ được tiệm cận hơn với các cơ hội đến từ môi trường bên ngoài. Kinh tế thế giới sẽ bước vào một giai đoạn mà khả năng phục hồi tuy chậm chạp nhưng chắc chắn hơn. Tại vì, thời điểm xấu nhất của khủng hoảng nợ công ở châu Âu, của nền kinh tế Mỹ đã qua và hai nền kinh tế lớn này đều có dấu hiệu khởi sắc. Đây lại chính là thị trường lớn nhất của Việt Nam, xét cả về góc độ thương mại và khả năng đón nhận đầu tư.
Bên cạnh đó, nếu một số hiệp định như Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU được kí vào năm nay…thì sự khởi sắc ấy sẽ còn được cộng hưởng thêm nữa. Những DN xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, khả năng tăng xuất khẩu còn khá lớn.
Nhìn vào bên trong nền kinh tế nước ta, khó khăn vẫn có thể nói là đang bao trùm, tăng trưởng kinh tế năm 2014 vẫn như 2013, loanh quanh với 5% hoặc chỉ nhích hơn đôi chút. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố nếu tận dụng tốt, DN vẫn có thể bươn trải, giải quyết tốt khó khăn, thậm chí trong một số trường hợp vẫn có thể bứt phá được.
* Thế còn những thuận lợi cơ bản về yếu tố “đầu tư” trong năm 2014, thưa ông?
- Chúng ta thấy rằng, người dân Việt Nam còn rất nhiều khoản tiết kiệm tài chính, khoản này hoàn toàn có thể chuyển hóa thành đầu tư cho sản xuất kinh doanh để tạo giá trị gia tăng nếu họ tin rằng, đầu tư này đem lại lợi tức cao cho trung và dài hạn. Như vậy, đối với DN vấn đề còn lại chỉ là bài toán xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ vẫn là một điểm sáng kinh tế cho năm 2014. Lần này, FDI sẽ tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Và như vậy sẽ tạo được khả năng lan tỏa tốt hơn đối với các DN nhỏ và vừa của Việt Nam.
Mặt khác, đầu tư công đã được Quốc hội thông qua sẽ có những bước đẩy lên để đảm bảo cho mức tăng trưởng của Việt Nam cao hơn năm 2013. Điều này sẽ gắn với rất nhiều lĩnh vực như xây dựng, vật liệu…phát triển.
Năm 2014, cải cách DN nhà nước sẽ được đẩy nhanh hơn. Do DNNN giữ một nguồn lực rất lớn, khi được cải cách thì nguồn lực này sẽ được phân bổ lại, có thể nằm trong tay các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài…và được sử dụng hiệu quả hơn. Đây cũng là lĩnh vực sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh hơn.
Cuối cùng, tôi cho rằng cùng với việc xử lý nợ xấu, nếu như gói 30.000 tỷ đồng được triển khai tốt, hỗ trợ cho người có thu nhập thấp mua nhà thì thị trường bất động sản sẽ “ấm” hơn, qua đó, sẽ kéo theo một số ngành nghề phát triển. Đó là điều có thể hy vọng nếu chính phủ có những cải cách, chính sách mạnh mẽ hơn và thực thi tốt hơn.
|
DN muốn bền vững thì phải hướng đến công nghệ cao, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và sạch, xanh. Ảnh: TU |
* Trước những cơ hội lớn đó, ông có lời khuyên gì dành cho DN?
- Tất nhiên, bản thân DN cũng phải “tinh khôn” hơn, nhanh nhạy hơn, chủ động hơn để nắm bắt những thời cơ.
Hiện hầu hết các DN đang tiến hành cải cách để tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh mới. Tôi muốn lưu ý DN cần phải tính đến tính bền vững trong cải cách. Điều đó có nghĩa là gì? DN muốn bền vững thì phải hướng đến công nghệ cao, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và sạch, xanh. Đạt được điều đó, DN sẽ xuất khẩu tốt hơn và thu hút đầu tư dễ dàng hơn.
Trước thềm năm mới, có bốn từ tôi muốn khuyên DN Việt: Biết quản trị sự bất định tài chính rủi ro; Hiểu tài chính: dòng tiền và thanh khoản quan trọng hơn rất nhiều số tiền mình có bởi thế giới hiện nay là thế giới dịch chuyển; Kết nối; Sạch, xanh để bền vững.
* Xin cảm ơn ông!