Ngày 18/2/2014, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Bảng xếp hạng FAST 500 năm 2013 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Thứ hạng các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng FAST500 được sắp xếp theo tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu giai đoạn 2009 -2012, có tính đến các các tiêu chí như tổng tài sản, tổng số lao động, lợi nhuận sau thuế, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông... như những yếu tố tham khảo trong quá trình xếp hạng doanh nghiệp.
Theo bảng xếp hạng, 10 doanh nghiệp nằm trong nhóm đầu gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cà phê Intimex Nha Trang; Công ty cổ phần CNG Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại - Dịch vụ Phan Minh; Công ty cổ phần Vinacommodities; Công ty cổ phần Kho vận Petec; Công ty TNHH MTV DAP – VINACHEM; Công ty TNHH Thanh Thành Đạt; Group Công thương nghiệp đầu tư Minh Hưng; Công ty cổ phần Thép TVP; Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa.
 |
Các DN kỳ vọng năm 2014 sẽ chấm dứt giai đoạn khó khăn. Ảnh:ĐT
|
Tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10 của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 là 129,5%.
Trong số 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 phần đông là các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời cũng là khối doanh nghiệp có chỉ số CAGR cao nhất.
Theo thống kê từ Bảng xếp hạng FAST500, số doanh nghiệp tư nhân lọt vào bảng chiếm tới trên 65%, nhiều hơn gấp đôi so với khối doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, CAGR trung bình của khối tư nhân cũng cao hơn hẳn so với khối doanh nghiệp FDI, và doanh nghiệp Nhà nước (DN tư nhân: 50,3%, DN FDI: 43,8%, DN Nhà nước: 38,9%) . Điều này cho thấy xét về mức độ năng động thì khối tư nhân vẫn là ngọn cờ tiên phong của toàn nền kinh tế.
Xét về địa phương, 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng về số lượng doanh nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 31% và 21%.
Xét về ngành nghề, ngành thực phẩm, đồ uống là ngành có đông doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất (18%), tiếp sau là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản (16%), ngành khoáng sản, xăng dầu (9%), ngành tài chính (8%), ngành hóa chất (7%).
Cũng theo khảo sát của Vietnam Report, đảm bảo ổn định vĩ mô và đơn giản hóa các thủ tục hành chính là những mong mỏi của các doanh nghiệp Việt trong năm 2014.
Với kết quả kinh doanh năm 2013 tốt hơn so với năm 2012 (xấp xỉ 86% đại diện tham gia khảo sát cho biết doanh thu năm 2013 của doanh nghiệp mình cao hơn so với năm 2012) thì phần đông các doanh nghiệp Việt đều đặt kỳ vọng, 2014 sẽ là năm chấm dứt giai đoạn khó khăn kéo dài và bắt đầu cho thời kỳ tăng trưởng mới./.