Quy rõ trách nhiệm các Bộ, ngành
Chỉ thị của Thủ tướng cảnh báo, tình trạng buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm - bao gồm cả những mẫu vật của loài có nguồn gốc nước ngoài như sừng tê giác, ngà voi châu Phi, tê tê, hổ... ngày một diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học quốc gia.
Hơn nữa, buôn bán trái phép động vật hoang dã làm giảm lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, tạo doanh thu bất hợp pháp, gây bất ổn an ninh quốc gia và nguy cơ xuất hiện, lây lan các bệnh truyền nhiễm mới, đồng thời tác động xấu tới hình ảnh của Việt Nam trong việc thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác với một số nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ quy rõ trách nhiệm và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.
Theo đó, các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác ngăn ngừa, đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quảng cáo, tiêu dùng trái phép mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt là mẫu vật tê giác và voi từ các nước châu Phi.
Đồng thời các bộ, ngành cần phối hợp hiệu quả trong công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu hàng không, cảng biển, đường bộ quốc tế, đường mòn lối mở qua biên giới; tập trung phát hiện, xử lý dứt điểm các tụ điểm buôn bán trái phép mẫu vật loài hoang dã bao gồm cả mẫu vật giả ở khu vực biên giới và trong thị trường nội địa; kiên quyết thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ công chức trong lĩnh vực này.
Mạnh mẽ hơn trong xử lý vi phạm
Liên quan đến việc tổ chức thực hiện, Chị thị yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đảm bảo các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này đều phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ thị cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong việc mua bán, vận chuyển mẫu vật tê giác, voi và mẫu vật của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật của nhà nước và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật hoang dã quý, hiếm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách về quản lý, bảo tồn, kiểm soát buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; kịp thời xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện; tổng hợp theo dõi tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ thị yêu cầu cơ quan thông tin đại chúng:
-Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, những điển hình tốt về bảo tồn, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã; đưa thông tin khách quan đảm bảo lợi ích quốc gia.
-Tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
- Đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước với cơ quan có thẩm quyền…
|