Nghiên cứu của CIEM cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến các DNXH thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn tài chính.
Khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư thương mại yếu
Theo CIEM, các DNXH ở Việt Nam còn khá non trẻ, được thành lập chủ yếu từ những ý tưởng mang tính cá nhân và có sứ mệnh phục vụ xã hội, nên vốn đầu tư ban đầu đa phần là vốn tự đóng góp của các thành viên sáng lập với quy mô nhỏ.
DNXH có đặc thù là không vì mục tiêu lợi nhuận, lại kinh doanh trên các thị trường rủi ro cao, lợi suất tài chính thấp nên không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thương mại, do đó khả năng tiếp cận huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại rất hạn chế.
Các DNXH khó huy động nguồn vốn vay ngân hàng vì một số lý do như: không có tài sản, nhà xưởng thế chấp do phần lớn DNXH hoạt động ở quy mô nhỏ; lãi suất cho vay của ngân hàng cao hơn nhiều khả năng sinh lời của DN; thời gian hoàn vốn kéo dài hơn các dự án thông thường.
Kết quả điều tra cấu trúc tài sản DNXH của CIEM cho thấy, phần lớn nguồn vốn của DNXH là vốn tự có (chiếm 20,3%) và vốn tích lũy từ các hoạt động sản xuất kinh doanh (45,5%), một phần nhỏ tới từ nhà tài trợ (5,3%). Vốn vay thương mại chỉ là một phần trong các nguồn vốn khác (vốn vay ngân hàng, vốn vay bạn bè…) với tổng số chiếm 28,8%. Trong khi đối với các DN kinh doanh thương mại, vốn vay thương mại là nguồn vốn lưu động quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh thì thực tế đối với DNXH, nguồn tài chính này không chiếm tỉ trọng chi phối.
|
Các DNXH khó huy động nguồn vốn vay từ ngân hàng.Ảnh: HT
|
Thị trường vốn đầu tư xã hội còn non trẻ
Thị trường vốn cho DNXH Việt Nam hiện chưa phát triển. Thể hiện ở việc thiếu vốn và các hình thức, các kênh cấp vốn phù hợp với DNXH phát triển ở các giai đoạn khác nhau.
Hiện nay mới chỉ có hai tổ chức là Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng và Trung tâm phát triển DNXH Tia Sáng có chương trình đầu tư vốn cho DNXH với tổng vốn đầu tư bằng tiền mặt vào khoảng 200.000 USD/năm. Đây là khoản vốn quá nhỏ bé so với nhu cầu của các DNXH hiện nay.
Bên cạnh đó, hiện chưa có một quỹ đầu tư xã hội chuyên nghiệp nào đang hoạt động thực sự hỗ trợ và đầu tư cho DNXH tại Việt Nam. Các quỹ đầu tư xã hội quốc tế bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các DNXH tại Việt Nam trong một vài năm trở lại đây nhưng hầu hết vẫn đang trong giai đoạn thăm dò tìm hiểu thị trường hoặc thử nghiệm mà chưa có hoạt động đầu tư đáng kể nào được thực hiện.
Một vấn đề quan trọng là năng lực của DNXH trong nước hiện nay chưa đủ vững mạnh để tiếp nhận đầu tư từ các nhà đầu tư xã hội chuyên nghiệp. Hậu quả là nhiều DNXH, sau nhiều năm, vẫn phát triển ở mức độ trung bình, quy mô nhỏ với tầm tác động xã hội hạn chế hoặc phát triển ở trạng thái “cầm chừng” .
Thiếu hỗ trợ pháp lý
Cũng theo nghiên cứu của CIEM, một số bên liên quan hoặc tiềm năng có thể tham gia thị trường tài chính cho DNXH ở Việt Nam như các cơ quan chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế…cũng chưa cho thấy mối quan tâm rõ ràng hoặc chương trình hành động cụ thể dài hạn nhằm hỗ trợ tài chính hoặc đầu tư cho các DNXH.
Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng này, trong đó có một thực tế là Việt Nam chưa có sự thừa nhận và không có văn bản pháp lý nào quy định và hỗ trợ cho hoạt động đầu tư xã hội. Quy định về việc DN nhận tài trợ phi thương mại không rõ ràng, gây nhiều khúc mắc. Các nhà tài trợ do đó thường tìm kiếm giải pháp đi qua một đơn vị trung gian làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư.
Thiếu các kênh truyền dẫn, các tổ chức trung gian, cơ chế quản lý nhà nước linh hoạt và minh bạch để tạo lập được thị trường tài chính cho các DNXH là một thách thức hiện nay. Khi thiếu vốn các DNXH không biết tìm kiếm nguồn đầu tư từ đâu cho phù hợp với đặc thù hoạt động của mình. Còn nhà đầu tư thì cũng mất nhiều thời gian để tìm kiếm những DNXH có nhu cầu và tiềm năng cho khoản đầu tư của mình.
CIEM cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo lập khung khổ pháp lý ổn định cho hoạt động của DNXH, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến xã hội được dễ dàng triển khai, khuyến khích thúc đẩy sự phát triển tinh thần doanh nhân xã hội ở Việt Nam.