PGS.TS Phạm Hồng Chương, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề Hội thảo quốc tế “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới, tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI- nội địa".
* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng liên kết doanh nghiệp FDI – nội địa hiện nay?
- Hiện nay, mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước ở nhiều địa phương còn khá yếu. DN Việt chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc liên kết với DN FDI trước bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng.
* Vậy theo ông, làm thế nào để có thể tăng cường mối liên kết này?
- Để tăng cường liên kết giữa hai khối DN này, chúng ta nên tập trung chủ yếu vào các vấn đề cơ bản từ chiến lược của DN. Bản thân DN Việt phải tăng cường năng lực nội tại của mình thì mới có thể liên kết được. Chúng ta không thể liên kết với một đối tượng rất mạnh, năng lực, trình độ cao, trong khi chính bản thân mình còn yếu.
|
|
![]() |
Lãnh đạo DN phải trả lời rõ ràng các câu hỏi: Anh có muốn phát triển DN lâu dài và bền vững hay không, có muốn trở thành nhà cung cấp và liên kết với DN FDI hay không? |
![]() |
|
PGS.TS Phạm Hồng Chương
|
|
|
Các DN FDI nói chung và DN Nhật Bản nói riêng bao giờ cũng mong muốn tăng cường liên kết với DN nội địa. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Do vậy, DN FDI cần tìm nhiều biện pháp hỗ trợ các DN Việt Nam làm sao để tăng cường kết dính. Mặt khác, DN Việt cũng cần tận dụng những biện pháp hỗ trợ này.
* Nói là DN Việt Nam phải tự nâng cao năng lực của mình thì cũng khó, bởi họ vốn dĩ đã nhỏ và yếu. Theo ông, làm thế nào để DN nâng cao được năng lực của mình?
- Trên thực tế, khi chúng tôi làm việc với các DN Nhật Bản, họ nói rằng, "họ rất hiểu là DN Việt không thể ngay lập tức nâng cao được năng lực sản xuất được".
Tuy nhiên, để làm được điều này phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo DN. Lãnh đạo phải trả lời rõ ràng các câu hỏi: Anh có muốn phát triển DN lâu dài và bền vững hay không, hay có muốn trở thành nhà cung cấp và liên kết với DN FDI hay không?
Người Nhật có một triết lý, "phải bắt đầu bằng những công việc nhỏ nhất và làm việc thường xuyên, làm việc liên tục". Như thế, theo tôi, trước hết DN Việt Nam cần làm “sạch” chính DN của mình về môi trường sản xuất, cách thức kinh doanh, quản lý phải khoa học và hiệu quả.
Còn nói về mặt chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì phải đánh giá là chúng ta làm còn chậm. Tôi cho rằng, Nhà nước và cơ quan chức năng nên tăng cường mời các hiệp hội DN của Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư. Trong đó, tăng cường mời các "bác sỹ" DN của Nhật sang Việt Nam làm việc. Đã đến lúc, cần có sự thống nhất giữa hai Chính phủ về vấn đề liên kết và chuyển giao, cũng như thuê chuyên gia Nhật thì quá trình này mới kỳ vọng có hiệu quả hơn.
* Nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục cấp phép đầu tư cho DN FDI của nước ta hiện nay khá chậm. Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Tôi nghĩ rằng, thủ tục cấp phép đầu tư không hẳn là cản trở đối với nhà đầu tư nếu như cả hai bên cùng thiện chí. Bởi, trước khi đầu tư họ đã phải tìm hiểu nhiều và lên các phương án, lộ trình rõ ràng.
Xin phép đầu tư là câu chuyện bình thường của mọi nơi trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi hơn, thủ tục cần đơn giản và gọn nhẹ.
* Xin cảm ơn ông!