Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thực trạng có nhiều DN ngừng hoạt động và giải thể, nhất là ở khu vực DN tư nhân là hậu quả của quá trình suy giảm kinh tế trong thời gian dài, những điều kiện vĩ mô và môi trường vô cùng bất lợi… Đây là những hệ quả tất yếu, không thể tránh được và chúng ta phải chấp nhận.
* Có ý kiến cho rằng, số lượng DN phá sản thực tế còn lớn hơn rất nhiều lần con số thống kê, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Điều này dễ hiểu thôi, thực sự để phá sản một DN trên giấy tờ không hề đơn giản. Và như thế, thà đắp chiếu, dừng lại còn dễ hơn. Cho nên số DN đang “nằm thở” như vậy rất nhiều và không thể thống kê được.
Chính vì vậy, chúng ta chỉ có thể nhìn vào sản lượng hoặc quan sát qua những hoạt động chung của khu vực doanh nghiệp đó mà thôi.
|
|
 |
Thực sự để phá sản một DN trên giấy tờ không hề đơn giản. Và như thế, thà đắp chiếu, dừng lại còn dễ hơn... |
 |
|
TS. Nguyễn Đức Thành
|
|
|
* Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
- Nguyên nhân liên quan đến luật giải quyết tranh chấp và những vấn đề cần giải quyết sau khi DN giải thể, phá sản.
Hiện tại, hệ thống pháp luật của nước ta để giải quyết vấn đề này rất phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục rắc rối. Việc thành lập DN thì dễ hơn rất nhiều việc phá sản DN.
Vì khi phá sản, DN phải thực hiện đầy đủ những việc liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia, những người chủ nợ, chủ sở hữu, những khách hàng liên quan… Để giải quyết tất cả vấn đề này thì thủ tục rất rườm rà, khó khăn, nặng nề cho tất cả các bên.
*Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các ngân hàng trong vấn đề này?
- Ngân hàng cũng là một đối tượng liên quan đến DN, cụ thể là chủ nợ, có thể cho vay vốn lưu động, vốn dài hạn và giữ tài sản thế chấp của DN. Nên khi DN phá sản chắc chắn sẽ nảy sinh tranh chấp trong việc giải quyết các khoản nợ cũng như việc phát mãi tài sản đó.
Chính vì các thủ tục quá rườm rà, chính bản thân ngân hàng cũng thấy chi phí để giải quyết được những việc này là quá lớn. Bởi vậy, họ cứ giữ nguyên để xem xét và không phải chi trả những khoản tài chính phát sinh. Đặc biệt, đối với ngân hàng đó lại là một khoản nợ xấu. Về phía DN cũng thấy như vậy và kết quả là hai bên thỏa hiệp không “khai tử”.
 |
Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản vẫn tăng Ảnh: Tố Uyên
|
* Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?
- Việc DN "chết" mà không được "khai tử" làm cho rủi ro trong nền kinh tế rất cao. Vì ngân hàng thì ứ đọng vốn, DN thì cũng không rút ra khỏi “vũng lầy” đó. Các nguồn lực, lao động, vốn còn sót lại để có thể rút ra làm DN mới, khởi tạo hoạt động mới… không thể thực hiện được.
Mặt khác, tiền của ngân hàng bị nằm ở đó thì cũng bị thiệt hại, nên lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ tăng lên để bù lỗ cho các khoản này. Khi đó, các DN khác không liên quan đến việc này cũng bị chịu hậu quả…Từ đó, làm cho toàn bộ xã hội bị ảnh hưởng vì chi phí sản xuất, độ rủi ro trong kinh doanh tăng lên nên kết quả là đầu ra của tất cả các thành phần kinh tế giảm xuống và kết quả là chúng ta bị nghèo đi.
* Theo ông cần phải có giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này?
- Chúng ta cần giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc. Đầu tiên là việc liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp trong luật phá sản để cả ngân hàng và DN có thể rút ra khỏi những hoạt động kinh doanh đã hoàn toàn bị thua lỗ, phá sản.
Bên cạnh đó, cần giải quyết vấn đề liên quan đến việc đưa các đối tác hay các thành phần khác vào thị trường nợ xấu, giúp ngân hàng cũng như DN giải quyết nợ xấu để buông bỏ những “sự đã rồi”, tiến tới sự tái tạo mới cho hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, chúng ta cần những chính sách khác như hỗ trợ lãi suất, môi trường kinh doanh tốt hơn, thủ tục hành chính bớt phiền hà, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn…đều là những hỗ trợ quý báu để cho DN tồn tại.
* Xin cám ơn ông!