Giảm hiệu năng quản lý nhà nước
Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến sẽ được ra Quốc hội thông qua vào kỳ họp này. Tuy nhiên, đến nay nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp vẫn tích cực đóng góp ý kiến.
Nhiều năm gần đây do vấn đề thủ tục hành chính là trở ngại lớn cho việc ra đời và hoạt động của doanh nghiệp nên “thuận lợi hóa” đã trở thành một phương châm trong quản lý nhà nước đối với đầu tư và kinh doanh.
Việc giảm thiểu thủ tục phiền hà, rút ngắn thời gian thực hiện các công đoạn trong mỗi quy trình của thủ tục hành chính đã trở thành tư tưởng chỉ đạo và đã thể hiện rõ nét trong các quy định mới trong 2 luật này.
Một trong những sửa đổi được xem là bước đột phá là bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bỏ quy định bắt buộc DN phải đăng ký ngành nghề kinh doanh trong Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong dự thảo Luật Đầu tư quy định, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ áp dụng đối với dự án và ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đối với dự án khác thì không cấp giấy này, trừ trường hợp nhà đầu tư đề nghị. Đây được xem là một cải cách “rộng cửa” hơn cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Mại cho hay, một số nhà đầu tư và DN không coi việc sửa đổi này là tạo thuận lợi cho họ, vì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cơ sở pháp lý để làm các thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư như cấp đất, xây dựng, môi trường…
Hơn nữa trong điều kiện năng lực quản lý nhà nước của nhiều địa phương còn khá hạn chế trong việc theo dõi, hướng dẫn nhà đầu tư và DN trong quá trình triển khai dự án, thì việc bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thông thường sẽ không đưa lại hiệu quả cho nhà đầu tư và làm giảm hiệu năng quản lý nhà nước.
Trên thực tế việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ở nhiều địa phương khá dễ dàng và không tốn nhiều thời gian, nếu áp dụng rộng rãi đăng ký quá mạng internet thì còn thuận lợi hơn. Do vậy, nên cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định bỏ loại giấy này đối với dự án thông thường.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư cũng áp dụng quy định về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như trong nước là vấn đề cần được cân nhắc thêm.
Theo ông Mại, nếu nhà đầu tư trong nước là tổ chức hay cá nhân khi tiến hành thủ tục đăng ký dự án đầu tư thì đã có địa chỉ cư trú của công dân hoặc trụ sở của tổ chức, trong khi nhà đầu tư nước ngoài thì chưa có các yếu tố đó trừ trường hợp họ đã được thành lập doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp). Quy định như vậy có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài không được phép lập dự án đầu tư khi chưa thành lập doanh nghiệp.
Cho đến nay nước ta chỉ áp dụng trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép cho dự án đầu tư mới làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, trong thực tế đã có một số nhà đầu tư làm nhiều dự án khác nhau phải thành lập những doanh nghiệp riêng, sau đó mới sáp nhập thành một doanh nghiệp.
 |
DN hy vọng sẽ có hành lang pháp lý thông thoáng hơn. Ảnh: ĐT
|
Do vậy, ông Mại cho rằng, đối với nhà đầu tư nước ngoài nên áp dụng cả hai trường hợp: thứ nhất nhà đầu tư nước ngoài sau khi được cấp phép đầu tư làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp; thứ hai nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập doanh nghiệp sau đó thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam.
“Khách du lịch” cũng dễ dàng thành lập DN
Về việc bỏ quy định ngành nghề trong giấy phép kinh doanh trừ những ngành kinh doanh có điều kiện cũng là vấn đề có nhiều ý kiến góp ý và cần được bàn thảo để có cách tiếp cận sát với tình hình thực tế của đất nước.
Nhiều ý kiến lo ngại, liệu việc bãi bỏ quy định ngành nghề kinh doanh có tạo thuận lợi cho DN chân chính hay làm rối thêm quản lý nhà nước?
Tổng cục Thống kê kiến nghị “nên giữ lại việc đăng ký ngành nghề kinh doanh khi doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư theo hệ thống ngành kinh doanh Việt Nam năm 2007”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Mại cho rằng đây là phương án khả thi hơn cả.
Theo ông Mại, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cần lưu ý hiện tượng có khá nhiều DN nhỏ đã được cấp phép, trong khi nước ta cần coi trọng hơn chất lượng FDI, cần dành cho DN trong nước dự án đầu tư và phạm vi kinh doanh mà họ có đủ năng lực thực hiện bằng hoặc tốt hơn FDI.
Do vậy, nếu không quy định minh bạch và công khai một số điều kiện thành lập DN FDI mà áp dụng không ghi ngành nghề kinh doanh, không quy định vốn tối thiểu từng ngành, lĩnh vực thì không biết điều gì sẽ xảy ra, khi có biết bao nhiêu khách “du lịch ba lô” sẽ dễ dàng thành lập doanh nghiệp với dăm ba chục triệu đồng vốn kinh doanh, bởi vì pháp luật không cấm.
Do đó, không thể không có quy định riêng đối với việc người nước ngoài lập DN tại Việt Nam với các thủ tục cần thiết để lựa chọn được nhà đầu tư chân chính, có đủ tiềm lực thực hiện các dự án ưu tiên theo định hướng thu hút FDI của Việt Nam.
Ông Mại lưu ý, quá trình thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (2005) cũng nảy sinh nhiều hiện tượng đáng quan tâm như đã xuất hiện nhiều DN “ma” có đăng ký kinh doanh nhưng không tồn tại, để lợi dụng hoàn thuế giá trị gia tăng một số người đã lập nhiều công ty thuê người khác đứng tên, một số nhà đầu tư dởm lợi dụng dễ dãi trong thẩm định dự án đã được cấp phép (có cả những dự án hàng trăm triệu USD) sau đó không thực hiện. Thực trạng đó đòi hỏi việc sửa đổi hai luật này cần phải bịt kẽ hở luật pháp.