Đây cũng là nội dung chính được bàn thảo tại Hội nghị bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản vừa được liên Bộ Công thương - NN&PTNN phối hợp tổ chức chiều 3/6.
|
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: D.T
|
Lo ngại nghịch lý “sản xuất tăng - thị trường co hẹp"
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, mặc dù kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng, nhưng hiện ngành sản xuất, xuất khẩu nông sản đang đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tính toán của Bộ NN&PTNN, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản đạt 12,1 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát: “Khi nhìn con số xuất khẩu tháng 5 không khỏi “giật mình” vì xuất khẩu của nhiều mặt hàng giảm khá mạnh”.
Đại diện nhiều hiệp hội DN bày tỏ sự lo ngại về triển vọng phát triển thời gian tới. Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, ngành này đang đối mặt với lượng tồn kho cao trên thế giới nên giá đang có xu hướng giảm không chỉ năm 2014 mà nhiều năm tới do cung vượt cầu, sự cạnh tranh gay gắt của các nước xuất khẩu. Ví von một cách hình ảnh “sáng tươi, chiều héo, tối bỏ đi” đối với sản phẩm rau quả, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ hơn nữa cho ngành này, bởi sản phẩm rau quả đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường do hàng rào kỹ thuật, vệ sinh tại những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… mà ít DN nào đáp ứng được.
Trong khi đó, vụ lúa Đông xuân được mùa tại 3 miền với sản lượng tăng 600.000 tấn, chăn nuôi phục hồi, nuôi trồng thủy sản sôi động sau một thời gian được giá, đánh bắt thủy sản trên biển Đông vẫn tăng 5% dù xảy ra sự cố Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam… “Sản phẩm tăng nhưng thị trường co hẹp. Bởi vậy, nếu không tháo gỡ kịp thời giá sẽ xuống”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ đang gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh cao, nhiều nước áp dụng các biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại nhất là các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam là: nông sản, thủy sản. Bên cạnh đó, những hạn chế trong sản xuất dù đã có nhiều giải pháp nhưng chưa được như mong muốn như: chế biến sâu chưa đạt yêu cầu, giá trị gia tăng chưa được như mong muốn…
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền trên biển Đông có thể ảnh hưởng đến sản xuất, trong đó có xuất khẩu nông, thủy sản nói riêng. Chính vì vậy, cần có những đánh giá và dự báo để có thể ứng phó nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Mặt khác, Chính phủ cũng đã chỉ đạo hai Bộ trong việc tính toán, đa dạng hóa mặt hàng, thị trường xuất khẩu để tránh quá lệ thuộc vào một thị trường và việc này đang được tích cực triển khai.
Bộ, ngành cùng "bắt tay" tìm đầu ra cho nông sản
Trên cơ sở đánh giá các khó khăn, vướng mắc đối với ngành sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản, Hội nghị đã thảo luận và đề xuất các giải pháp cần triển khai kịp thời để tháo gỡ khó khăn và tăng cường thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng này. Bên cạnh các giải pháp dài hạn liên quan tới công tác quy hoạch vùng nguyên liệu và phát triển nông nghiệp, công tác quản lý chất lượng sản phẩm,…thì nhóm giải pháp đưa ra tập trung chủ yếu vào việc phát triển thương mại cho nhóm hàng này.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ Công thương sẽ rà soát nhu cầu tiêu dùng nông, thủy sản tại các thị trường, cơ chế và chính sách nhập khẩu để từ đó đề xuất, đàm phán, ký kết các thỏa thuận tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Cùng với đó là tích cực đàm phán mở rộng thị trường cho xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản, bằng việc đưa các nội dung về giảm thuế, mở cửa thị trường, dỡ bỏ rào cản thương mại,… trong các đàm phán (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU…).
Còn Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, vào cuối tháng 5, Bộ NN&PTNN đã họp với Hiệp hội rau quả và sẽ gửi văn bản cho Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để thông tin, đàm phán với các nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu rau quả, trong đó đặc biệt là quả thanh long. Đồng thời, Bộ cũng đang tiếp tục tìm cách tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu cá tra, cá basa vào thị trường Hoa Kỳ; làm việc với Mexico để mở thị trường tôm,…
|
Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ NN&PTNN ký kết hợp tác. Ảnh: Duy Thái
|
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNN đã ký kết bản ghi nhớ về phối hợp công tác giữa Bộ trưởng hai Bộ, nhằm tăng cường tác, tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông, thủy sản./.