Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng nay (16/6), giá vàng SJC niêm yết trên hệ thống bảng giá trực tuyến của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đứng ở mức 36,68 – 36,78 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) – bằng với mức giá kết thúc giao dịch phiên cuối tuần ngày 14/6 và giảm 50 ngàn đồng/lượng so với mức giá cuối ngày thứ Sáu (ngày 13/6).
Trong phiên giao dịch buổi sáng 16/6, có lúc giá vàng trong nước đã tăng lên tới mức giá 36,75 – 36,85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), nhưng mức giá này giữ được không lâu và càng giảm dần về cuối buổi sáng.
Cùng thời điểm cuối buổi sáng 16/6, giá vàng SJC niêm yết trên hệ thống DOJI có mức giá bán ra cùng ở mức giá 36,76 triệu đồng/lượng – trong đó ở giao dịch lẻ chiều mua vào cao hơn giao dịch buôn 10 ngàn đồng/lượng và đứng ở mức giá 36,72 triệu đồng/lượng. Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC niêm yết cùng thời điểm ở mức giá 36,71 – 36,76 triệu đồng/lượng.
Diễn biến của giá vàng trong nước sáng phiên đầu tuần được xem là khá “lệch pha” so với giá vàng thế giới, bởi trong khi giá vàng trong nước diễn biến trong xu hướng giảm, thì giá vàng thế giới lại có mức tăng khá mạnh.
Cụ thể, tại thời điểm cuối buổi sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Singapore 1.282,10 USD/ounce – tăng 9 USD/ounce so với mức giá cuối tuần trước (tăng thêm khoảng 0,5%). Với mức giá này qui đổi theo tỷ giá của ngân hàng thương mại, giá vàng châu Á đang tương đương khoảng 32,84 triệu đồng/lượng. Theo đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng SJC bán ra trong nước và giá vàng thế giới đang ở mức 3,94 triệu đồng/lượng – thu hẹp tới 360 ngàn đồng/lượng so với mức chênh cuối tuần trước.
Tính chung trong tuần qua (kết thúc ngày 13/6), giá vàng thế giới đã tăng thêm 1,9% giá trị. Còn giá vàng trong nước cả tuần qua (kết thúc cuối buổi sáng ngày 14/6), giá vàng SJC đã tăng thêm được 450 ngàn đồng/lượng.
|
Diễn biến giá vàng SJC tuần qua (từ 9 - 14/6). Nguồn SJC. |
Đối với thị trường vàng trong nước, tuần qua cũng không xuất hiện các yếu tố tác động ảnh hưởng mạnh đến diễn biến của giá vàng. Do đó, những diễn biến trong cả tuần qua chủ yếu là bám theo diễn biến của giá vàng thế giới.
Còn đối với thị trường vàng thế giới, kể từ khi chiến sự nổ ra tại Iraq - nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), giá vàng đã hầu như liên tục đi lên từ mức giá thấp, thậm chí là vùng đáy của nhiều tuần, nhiều tháng trong các tuần trước đó.
David Lennox - chuyên gia phân tích thuộc Fat Prophets tại Sydney, nhận định “vàng đang được hỗ trợ từ căng thẳng gia tăng tại Iraq. Nhu cầu đối với tài sản an toàn này ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là Iraq, được xem là nhân tố hỗ trợ mà thị trường vàng đang mong chờ”.
Cũng đồng quan điểm về khả năng hỗ trợ vàng tăng giá do bất ổn chính trị leo thang tại Iraq, nhưng xét về góc nhìn kỹ thuật, một số ý kiến phân tích cho rằng, giá vàng trong tuần này sẽ khó biến động tăng mạnh, do vàng đang đi vào ngưỡng cản kỹ thuật quanh 1.280 USD/ounce.
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá vàng đã tăng 6,7% giá trị, một phần bởi tình hình căng thẳng địa chính trị xung quanh “điểm nóng” Ukraine và hiện tại là tình hình bất ổn đang leo thang tại Iraq. Tuy vậy, Trưởng bộ phận giao dịch tại MKS - Afshin Nabavi cho rằng: “Nếu không vượt qua được mốc 1.300 USD, không có thêm tin tức mới nào, giá vàng có thể quay lại mức 1.240 USD/ounce. Nhưng tuần này có phiên họp của FOMC. Nó có thể xoay chuyển mọi việc rất nhanh chóng”./.