Địa phương tích cực vào cuộc
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, tính đến thời điểm này tất cả các địa phương trên cả nước đã tiến hành triển khai thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.
Tại Hà Nội, UBND thành phố vừa ký ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện việc bình ổn giá các sản phẩm dinh dưỡng chứa sữa động vật dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Lộ trình thực hiện bình ổn giá sữa của thành phố Hà Nội theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ 11/6 đến 6/7/2014 và giai đoạn 2 từ ngày 7/7/2014 trở đi. Mục đích các đợt bình ổn nhằm minh bạch thị trường và giá bán các sản phẩm sữa, giảm giá bán các sản phẩm sữa đang lưu thông trên địa bàn, qua đó góp phần bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ khác.
Ngoài việc thực hiện các biện pháp bình ổn, lãnh đạo TP. Hà Nội còn yêu cầu Sở Tài chính, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước về giá sữa đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn, đảm bảo chủ trương bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi được thực thi nghiêm túc.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, sau những kiến nghị về vướng mắc trong thực hiện các biện pháp bình ổn, cuối tuần trước Bộ Tài chính đã có văn bản gỡ vướng cho Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, đảm bảo việc công bố giá bán lẻ tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được thực hiện đúng thời gian mà Bộ đưa ra là vào ngày 21/6/2014 tới.
Tại buổi đối thoại với đại diện Liên minh châu Âu và Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cùng bốn hãng sữa là Abbott, Friesland Campina Việt Nam, Mead Johnson, Nestlé, đại diện Bộ Tài chính đã nêu quan điểm của Chính phủ và Bộ Tài chính là không can thiệp quá sâu vào việc định giá cũng như không hạn chế hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Song, một khi thị trường khiếm khuyết, Nhà nước phải có sự can thiệp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không mong duy trì việc áp giá trần. Khi nào yếu tố thị trường lành mạnh, yếu tố đầu vào tăng hợp lý, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý giá thì sẽ dừng biện pháp này.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, để giải quyết nhanh những vướng mắc của các địa phương cũng như doanh nghiệp khi triển khai thực hiện, Cục Cục Quản lý giá đã tổ chức 3 đoàn công tác tại 3 địa phương trọng điểm gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đến sáng 17/6, các đoàn công tác này đã hoàn thành nhiệm vụ, những thông tin tại các buổi làm việc với địa phương sẽ được tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính.
Ông Tuấn cũng cho biết, ngoài 3 đoàn công tác nói trên, sẽ có một số đoàn công tác nữa được tổ chức trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, ban ngành tại địa phương tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định về thực hiện xác định giá tối đa, giá đăng ký tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm sữa.
Sữa “thay vỏ lách luật”: Thông tin không chính xác
Theo ghi nhận của phóng viên, một tuần sau khi các hãng sữa lớn công bố mức giá trần bán buôn, thị trường đã có những phản ứng khá tích cực. Không chỉ các siêu thị, nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh sản phẩm sữa đã tuân thủ khá nghiêm túc, thể hiện mức giá niêm yết công khai. Một số cửa hàng còn áp dụng giá bán lẻ bằng với giá trần bán buôn của doanh nghiệp phân phối.
Điển hình như 5 sản phẩm trong danh mục 25 sản phẩm áp giá trần của hãng sữa Abbott đều được các cửa hàng bán đúng theo giá trần bán buôn. Thậm chí, một số cửa hàng còn áp dụng cả các chương trình khuyến mại như mua 6 hộp sữa Similac GainPlus IQ (với Intelli-Pro) 900g được tặng kèm 1 vali kéo, nếu không lấy quà khuyến mại giảm 15 nghìn đồng/hộp. Cùng dòng sữa này, nhưng loại hộp lớn 1,7kg, nếu không lấy quà khuyến mại khách còn được hưởng mức giá giảm thêm 20 nghìn đồng/hộp.
Do đến 21/6, quy định giá trần bán lẻ các sản phẩm sữa mới chính thức có hiệu lực, do đó cũng không tránh khỏi hiện tượng nơi giảm nơi không, hay sản phẩm này giảm, giảm phẩm khác lại không. Thậm chí một số cửa hàng, doanh nghiệp còn áp dụng một số chiêu như giảm bớt giá kết hợp tặng quà, mặc dù mức giá đã giảm này vẫn cao hơn rất nhiều nếu tính theo quy định giá bán lẻ cao hơn tối đa 15% so với giá trần bán buôn.
Ngoài vấn đề giá, gần đây một số ý kiến có đề cập đến hiện tượng doanh nghiệp “lách luật” bằng cách ngừng sản xuất sản phẩm cũ, thay vào đó là các nhãn mới với mức giá khá cao. Điển hình là một số dòng sản phẩm Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus của hãng Mead Johnson mà các ý kiến đó cho rằng mới được thay thế các mặt hàng Enfamil và Enfagrow A+.
Phản hồi vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Giá hàng nông lâm thủy sản, Cục Quản lý giá khẳng định, các sản phẩm nói trên của Mead Johnson không phải là sản phẩm mới xuất hiện khi Bộ Tài chính công bố áp giá trần, mà đã được doanh nghiệp này kê khai, đăng ký giá từ tháng 3/2014, trước cả thời điểm tổ chức cuộc thanh tra liên ngành về giá sữa. Ngay trong bảng kê khai giá bán buôn tối đa và giá đăng ký 34 sản phẩm sữa của Mead Johnson đã được cơ quan quản lý giá công bố từ hôm 10/6 vừa qua cũng có cả danh mục đầy đủ của các sản phẩm được cho là mới này. Người tiêu dùng quan tâm có thể xem xét, đối chiếu danh mục này tại đây.
Riêng đối với sản phẩm Pediasure, do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã kết luận sản phẩm này không chứa sữa và không phải là sữa, nên đương nhiên, cơ quan quản lý giá không có quyền can thiệp vào mức giá bán của doanh nghiệp./.