Đây là nhận định của bà Nguyễn Tường Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Hợp tác quốc tế kiêm Chánh văn phòng thường trực FLEGT và Lacey (Tổng cục Lâm nghiệp) tại tại Hội thảo Tập huấn truyền thông nâng cao năng lực cung cấp thông tin về FLEGT – VPA.
Tăng trưởng mạnh về xuất khẩu
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ chế biến 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ. Hiện, nhiều DN đã có hợp đồng sản xuất đến hết năm. Chính vì vậy, “mục tiêu xuất khẩu từ 6 - 6,2 tỷ USD trong năm nay, tăng 0,7 tỉ USD so với năm ngoái (5,5 tỷ USD) là trong tầm tay.
Đồng quan điểm, bà Vân cho rằng, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh trong 10 năm qua, đặc biệt đột phá trong giai đoạn 2007 – 2013 với mức tăng trưởng bình quân 16%. Hiện nay, nước ta có 5 trung tâm chế biến gỗ lớn, khoảng 4.000 DN chế biến gỗ, sử dụng hơn 300.000 lao động. Việt Nam chiếm khoảng 4% thương mại đồ nội thất trên thế giới, đứng thứ 6 trên thế giới và thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc.
Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ sang hơn 100 quốc gia, trong đó có 4 thị trường chính là Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật chiếm hơn 50% thị phần với mức tăng trưởng cao hàng năm.
Ngành gỗ phấn đấu xuất khẩu từ 6 - 6,2 tỷ USD trong năm 2014 Ảnh: TL
"Bỏ quên" sân nhà
Theo khảo sát của một công ty độc lập nước ngoài, tiêu dùng đồ gỗ của Việt Nam 4 năm trở lại đây rơi vào khoảng 19,8 tỷ USD/năm. Trong đó, tiêu dùng đồ gỗ người dân thành thị chiếm khoảng 30% cho hộ gia đình, 40% cho các công trình dự án mới và 30% thị phần còn lại cho dân cư nông thôn.
“Trong các công sở, gia đình Việt Nam hiện nay đã và đang sử dụng rất nhiều hàng của Đài Loan, Trung Quốc, đây là sự “thất bại” không hề nhỏ của ngành gỗ nước nhà”, bà Vân nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành gỗ đã và đang bỏ ngỏ thị trường nội địa và dần đánh mất vào tay các DN của Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ… Theo thống kê, mức tiêu thụ đồ gỗ của các DN ngành gỗ Việt tại thị trường trong nước trong vài năm trở lại đây chỉ xê dịch ở mức khoảng 2 tỷ USD/năm. “Con số này là quá thấp so với một thị trường hơn 90 triệu dân như Việt Nam”, ông Quyền đánh giá.
Cũng theo ông Quyền, cách đây vài năm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã khuyến cáo các DN gỗ trong nước bên cạnh việc tăng cường xuất khẩu cần nghiên cứu phát triển mạnh thị trường nội địa, bởi vì sức mua của thị trường này khá lớn và đồ gỗ nước ngoài đang nhập khẩu mạnh vào Việt Nam, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài lăm le vào thị trường Việt Nam.
Trước cơ hội và thách thức tại thị trường nội địa, bà Vân kiến nghị, không nên để chậm trễ, đã đến lúc các DN ngành gỗ cần đánh giá và nhìn nhận đúng tầm quan trọng của thị trường nội địa để chiếm lĩnh thị trường này.
Đặc biệt, theo ông Quyền, hiện nay, mối quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông vẫn diễn ra căng thẳng. Chúng ta đang giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thúc đẩy hàng nội với khẩu hiệu “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và với các DN ngành gỗ thì đó là tín hiệu đáng mừng để trở về chiếm lĩnh “sân nhà” sau một thời gian dài “để ngỏ”./.