Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Cơ chế đấu thầu mới – Cơ sở để thắng thầu các hợp đồng trong hoạt động xây dựng” do Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam tổ chức ngày hôm nay (24/7), tại Hà Nội.
 |
Nếu Luật được áp dụng nghiêm sẽ loại bỏ được nhà thầu yếu kém. Ảnh:D.Thiện
|
Cụ thể, ông Tăng cho biết, hồ sơ dự thầu bắt buộc phải làm hai túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ đề xuất tài chính. Hai túi này được nộp cùng lúc, nhưng khi đấu thầu chỉ mở túi hồ sơ kỹ thuật, túi hồ sơ kỹ thuật sẽ được đánh giá trước, nhà thầu nào đáp ứng về năng lực kỹ thuật thì mới được bóc túi hồ sơ về tài chính ra để chọn thầu, lúc này nhà thầu nào bỏ giá thấp mới được tính tới.
Như vậy, khi đấu thầu sẽ loại ra được nhà thầu năng lực yếu kém. Theo ông Tăng, trước đây mở đồng thời hai túi kỹ thuật và tài chính, do vậy, trong một số trường hợp nhà thầu yếu nhưng họ chào với giá thấp, khiến chủ đầu tư lúng túng trong việc đánh giá.
“Không bóc túi tài chính nên chủ đầu tư không bị tác động bởi giá bỏ thầu, chỉ khi đạt về năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn mới được mở túi đề xuất giá và lúc đó mới tới lựa chọn nhà thầu bỏ giá thấp. Còn nhà thầu không đạt về kỹ thuật sẽ bị loại ngay từ đầu, không cần biết giá thế nào”, ông Tăng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Luật lần này cũng bổ sung thêm nhiều phương pháp đánh giá hồ sơ đấu thầu để lựa chọn. Cụ thể, trước đây với mua sắm hàng hóa xây lắp, Luật Đấu thầu cũ chỉ có một phương pháp là giá đánh giá, hiện nay Luật mới có ba phương pháp là phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá, phương pháp kết hợp kỹ thuật và giá. Những phương pháp mới này sẽ kết hợp được cả tiêu chí kỹ thuật và giá, do đó nhà thầu nào có kỹ thuật cao hơn thì sẽ được chọn.
Luật cũng ràng buộc trách nhiệm của tổ chấm thầu, theo đó, tổ chấm thầu được quyền lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn tốt trước rồi mới tới giá, nếu vẫn chọn nhà thầu yếu thì lỗi tại tổ chấm thầu cố tình chọn, và sẽ bị xử lý.
“Dù nhà thầu nước nào cũng vậy, nếu luật được áp dụng nghiêm sẽ loại bỏ được nhà thầu yếu kém. Nhưng vấn đề là có đủ dũng cảm để loại hay không, hay lại bị chi phối bởi nhiều vấn đề khác...?”, ông Tăng chia sẻ.
Cũng theo ông Tăng, cùng với nhiều điểm cải tiến trong Luật Đấu thầu mới, việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng giúp công khai, minh bạch, nhà thầu ở bất kể nước nào cũng có thể tham gia, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, thêm lựa chọn cho chủ đầu tư, giúp loại bỏ nhà thầu yếu kém, cạnh tranh bằng giá.../.
Luật Đấu thầu mới năm 2013 (Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thay thế cho Luật Đấu thầu cũ năm 2005) gồm 13 chương, 96 điều đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 63/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2014. |