Thị trường hấp dẫn của Đông Nam Á
Từ vị trí một nhà cung cấp nhỏ trong chuỗi sản xuất cung ứng hàng điện máy toàn cầu cách đây một thế kỷ, năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 38 tỷ USD thiết bị và linh kiện, theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế.
Mặc dù con số này rất nhỏ bé so 560 tỷ USD xuất khẩu của nước láng giềng Trung Quốc, nhà sản xuất hàng điện máy hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu điện máy đứng thứ 12 trên thế giới. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng phát triển nhanh về lĩnh vực dịch vụ IT.
Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất đến với Việt Nam bởi những thách thức về kinh tế vĩ mô tại Trung Quốc. Tại quốc gia này, các vấn đề như lực lượng lao động già hóa, lương tăng… cùng với nhiều vấn đề khác đang làm cho các lĩnh vực sản xuất chi phí thấp khó có thể tồn tại. Trung Quốc sẽ vẫn là công xưởng lớn nhất của thế giới trong những năm tới, nhưng lợi thế cạnh tranh trong việc sản xuất hàng giá trị thấp và lắp ráp đang gặp nhiều thách thức.
Xu hướng này đem lại lợi ích cho một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Các nước này có lực lượng lớn lao động giá rẻ và sẵn sàng bù đắp những yếu điểm của Trung Quốc. Các nhà sản xuất điện máy toàn cầu đã chuyển dần sang những thị trường này trong vài năm qua, tuy nhiên Việt Nam là thị trường phát triển mạnh nhất với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu điện máy ở mức hàng đầu trên thế giới.
Samsung hiện là nhà đầu tư lớn nhất trong số các nhà sản xuất đa quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn này đã đầu tư hàng tỷ USD vào cụm nhà máy sản xuất phần lớn linh kiện cho smartphone của thương hiệu này trong những năm tới. Intel và LG cũng đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, cùng với nhiều công ty khác có mức đầu tư vài trăm triệu USD.
 |
Lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung tại Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Hưởng lợi nhờ vị trí địa lý
Vị trí địa lý đóng vai trò quan trọng khiến các nhà đầu tư chọn Việt Nam. Không như Indonesia hay Philippines, Việt Nam có đường biên giới đường bộ sát với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, khiến cho việc tích hợp các chuỗi cung ứng có sẵn dễ dàng hơn. Ngoài ra, Việt Nam cũng ít bị các thiên tai như động đất, sóng thần, bão lũ hơn các nước trong khu vực.
Nhu cầu nội địa tăng trưởng cũng là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư. “Nhiều nhà sản xuất điện máy cũng quan tâm đến các yếu tố khác ngoài chi phí nhân công. Họ muốn tìm kiếm các đất nước có tiềm năng lớn tại thị trường nội địa. Việt Nam dường như là có đủ các yếu tố này”, Glenn Maguire, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ ở khu vực Thái Bình Dương cho biết.
Glenn Maguire cho rằng Việt Nam còn có nhiều lợi thế khác, trong đó nguồn cung hàng điện tử tốt và hệ thống hạ tầng giao thông đang được cải thiện. Ngoài ra, tình hình chính trị của Việt Nam được đánh giá là ổn định. Vụ việc gần đây liên quan đến việc biểu tình chống Trung Quốc thu hút khá nhiều sự chú ý và gây lo ngại đối với một số nhà đầu tư. Tuy nhiên, tác hại thực tế của vụ việc này không lớn và tình hình đã được ổn định nhanh chóng.
Dù vậy, nhân công giá rẻ vẫn là yếu tố hàng đầu hấp dẫn các nhà sản xuất hàng điện máy. Mức lương ở Việt Nam thuộc hàng thấp gần nhất trong khu vực. Các nước như Campuchia, Lào, Myanmar có mức lương thấp hơn nhưng lại thiếu nhiều lợi thế khác mà Việt Nam đang có.
Phát triển nhân sự chất lượng cao
Sản xuất hàng điện máy tăng trưởng mạnh sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn, nhưng câu hỏi đặt ra là những lợi thế này có được lan tỏa đồng đều không. Hiện tại, phần lớn các nhà máy tập trung vào sản xuất hàng giá trị tương đối thấp và hoạt động lắp ráp. Mặc dù việc xây dựng và điều hành các nhà máy này đòi hỏi các nhà quản lý, kỹ thuật, kỹ sư tay nghề cao, nhưng phần lớn các công nhân vẫn làm công việc lắp ráp khá giản đơn trong thời gian tới.
Khả năng tăng trưởng trong dài hạn phụ thuộc vào việc liệu Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Sự xuất hiện của các nhà sản xuất lớn nước ngoài tạo cho Việt Nam cơ hội hiếm có để tiếp thu công nghệ và kỹ thuật, đồng thời cung cấp vốn để cải thiện những thứ cấp bách nhất trong cơ sở hạ tầng và giáo dục.
Một số công ty cũng tự phát triển nguồn nhân lực cao trong nước. Intel đã rất khó khăn khi tìm nhân sự chất lượng cao cho dự án nhà máy 1 tỷ USD của mình năm 2010. Để xây dựng nguồn cung nhân lực chất lượng cao, Intel đã mở chương trình đào tạo tại nước ngoài. Công ty này đã chi 7 triệu USD để gửi 73 sinh viên đến học tại Đại học Portland, bang Oregon.
Nếu Việt Nam có thể tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ, năng lực xuất khẩu hàng giá trị cao sẽ được đẩy mạnh. Điều này cũng tạo cơ hội để tăng mặt bằng thu nhập, tăng nhu cầu về các sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu không làm được điều này, việc thu hút đầu tư mới của Việt Nam sẽ chỉ kéo dài đến khi có những nước khác lại nổi lên về lợi thế về chi phí nhân công.
(Will Greene – tác giả bài viết là Giám đốc nghiên cứu của BDG Asia, công ty tư vấn cho các công ty đa quốc gia tại Đông Nam Á)