Loay hoay tìm kiếm nguồn hàng
Chia sẻ tại Hội nghị đối thoại giữa các DN sản xuất hàng Việt với thương nhân chợ Đồng Xuân (Hà Nội), ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Cty CP Đồng Xuân cho biết, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ trọng hàng Việt Nam đã tăng lên đáng kể tại chợ Đồng Xuân. Nếu như cách đây 3 năm, tỷ lệ hàng Việt đối với hầu hết các ngành hàng kinh doanh trong chợ chỉ chiếm khoảng 20-30% còn chủ yếu là hàng Trung Quốc, thì đến nay tỷ lệ này ở một số ngàng hàng đã tăng lên 70%.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, một bất cập hiện nay là trong khi người tiêu dùng đang có xu hướng hạn chế sử dụng hàng Trung Quốc bởi những lo ngại về hàng giả, hàng kém chất lượng và tiềm ẩn những nguy cơ gây độc hại cho người sử dụng, thì các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống như chợ Đồng Xuân lại “loay hoay” tìm nguồn hàng Việt để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Thủy cho biết, khó khăn lớn nhất của các tiểu thương hiện nay là chưa tiếp cận được nhà cung cấp, nên nguồn hàng Việt nhập vào chợ Đồng Xuân chủ yếu là do các tiểu thương phải tự tìm nguồn hàng thông qua các làng nghề, các DN đầu mối phân phối, chứ bản thân các DN sản xuất hàng Việt dường như không mấy “mặn mà” với thị trường nội địa, chưa tin tưởng kênh phân phối truyền thống,…
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Dung, tiểu thương kinh doanh giày dép tại chợ Đồng Xuân cho rằng, DN Việt chưa nắm được tình hình kinh doanh thực tế của các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân nên hàng Việt vẫn “loay hoay” tìm đường vào chợ.
Bà Dung đưa ra ví dụ, các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân muốn nhập giày của Công ty Giày Thượng Đình, nhưng công ty này lại yêu cầu DN phải mua mấy trăm đôi giày cho mỗi đơn hàng, trong khi nhà kho của tiểu thương thì không đủ diện tích để chứa sản phẩm. Ngược lại, DN Trung Quốc lại sẵn sàng giao hàng với số lượng ít và khâu tiếp thị giới thiệu sản phẩm của họ với tiểu thương cũng được làm rất tốt.
Cần tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hàng hóa đến tay người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố và vùng nông thôn đều được trung chuyển qua các chợ truyền thống, mà chợ Đồng Xuân là một trong những đầu mối lớn nhất nước cho việc trung chuyển hàng hóa đến các tỉnh, thành phố. Chỉ tính với hơn 2.300 hộ kinh doanh, theo đó là hàng vạn người đến chợ mỗi ngày cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường chợ Đồng Xuân trong việc phân phối hàng Việt nếu được khai thác tốt.
Để tạo nên nguồn cung hàng Việt dồi dào tại các chợ truyền thống, qua đó đẩy mạnh ưu tiên “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Dung cho rằng, cần tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. “Tiểu thương muốn làm nhà phân phối cho nhà sản xuất trong nước thì cần phải đáp ứng rất nhiều các điều kiện và thủ tục phức tạp, nặng nề. Trong khi việc thiết lập sự liên kết giữa nhà sản xuất Trung Quốc và các nhà phân phối rất chặt chẽ, mật thiết và đơn giản. Đây là điều mà các DN Việt cần học hỏi ở DN Trung Quốc”, bà Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, các DN trong nước cần đẩy mạnh tiếp thị hàng hóa, quảng bá, mang hàng tiếp thị tận nơi các nhà phân phối để bảo vệ hàng hóa trong nước và người tiêu dùng, tránh việc các hàng nhập khẩu kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu, phá vỡ hoạt động của thị trường Việt Nam./.