Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh điều này tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 9/9 bàn về dự thảo sửa đổi hai Luật trên.
Có thể thấy, tinh thần ”cởi trói” mạnh mẽ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mà những người soạn thảo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chủ trương, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quyền dân chủ lớn nhất của con người là tự do làm ăn. Ông rất kỳ vọng vào việc sửa hai Luật này, bởi đây là những luật đóng vai trò “lõi của phát triển”.
Do đó, các đại biểu Quốc hội cần phải “dày công” sửa đổi để hai Luật thực sự mang tinh thần cải cách, phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đây là lúc Quốc hội cần làm “trọng tài”, phải rà hết các danh mục cấm và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở các luật chuyên ngành. Ngành nghề gì đã cấm và cần có điều kiện mà thấy hợp lý đưa vào luật này, còn cấm và hạn chế vô lý thì bỏ đi.
Đồng thời, phải hiểu rộng hơn về các hành vi hạn chế quyền tự do kinh doanh. Chẳng hạn, khi các địa phương quy định phải mua xi măng, phải uống bia sản xuất trong tỉnh, thì đó chính là hạn chế quyền tự do kinh doanh. Và theo Chủ tịch, kết quả ngành nghề danh mục cấm và hạn chế đầu tư kinh doanh mới chỉ là rà soát ở cấp ngành, chứ chưa rà soát ở địa phương.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì nhấn mạnh, các quy định về các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chính là “linh hồn” của Luật Đầu tư.
Bên cạnh 11 nhóm ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh đã được quy định tại dự thảo luật mới nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận cũng đề nghị các vị đại biểu xem xét còn ngành nghề nào cần đưa vào danh mục này và có nên quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện ngay trong luật hay không. Nếu điều này được thực thi thì các trường hợp hạn chế quyền tự do kinh doanh sẽ còn ít hơn nữa./.