Đây là đánh giá của GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE) khi chia sẻ với phóng viên TBTCO bên lề Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam” vừa mới tổ chức tại Hà Nội.
Vẫn loay hoay về chính sách
* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng ngành CNHT của nước ta hiện nay? Hiện ngành CNHT Việt Nam đang đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu?
- Sau 14 năm, kể từ khi có chủ trương phát triển CNHT, nước ta vẫn chưa định hình được những sản phẩm CNHT cần tập trung xây dựng trên quy mô cả nước. Chính vì vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm khá thấp, nhiều loại sản phẩm như ô tô, điện thoại di động, điện tử, dày da, dệt may,…chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp. Còn lại, phần lớn CNHT đối với ngành công nghệ cao đều do DN FDI thực hiện.
|
|
 |
Nên có một khu công nghiệp chuyên biệt, ở đó các DN gắn kết, hợp tác và phân công với nhau trong một loại sản phẩm với hạ tầng chung, xử lý môi trường chung, bạn hàng chung, tiêu thụ chung... |
 |
|
GS. Nguyễn Mại
|
|
|
Ngành CNHT của nước ta hiện nay chỉ đáp ứng được hơn 25% linh phụ kiện cho các DN, trong khi đó, mức này ở Trung Quốc, Thái Lan là 50-60%. Có nghĩa là chúng ta đang ở mức rất thấp.
Tập đoàn Samsung đã từng quan ngại, công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam còn tương đối lạc hậu. Ngay tại Samsung, ở thời điểm này, các DN trong nước cũng chỉ cung cấp các loại mặt hàng như sản phẩm in ấn, bao bì,… chứ chưa làm được các thiết bị có công nghệ cao hơn.
* Như ông nói thì có nghĩa là so với các nước trong khu vực, ngành CNHT ở Việt Nam vẫn đang ở trình độ thấp kém. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên?
- Đúng vậy. Hiện nay chúng ta chưa có một chiến lược thực sự để phát triển CNHT, chưa có chiến lược đầu tư ưu tiên phát triển một vài loại CNHT quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn.
Mặc dù từ năm 2001, chúng ta đã có định hướng, bàn bạc để phát triển ngành này nhưng đến nay vẫn còn đang loay hoay về chính sách.
Mặt khác, chúng ta chưa tạo lập mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước, đặc biệt là DNNVV. Vì vậy, mặc dù một số công ty xuyên quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới như TOYOTA, HONDA, INTEL, SAMSUNG, CANON đã vào nước ta, nhưng vẫn chưa có hệ thống nhà máy CNHT của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa tạo lập được các mô hình liên kết theo chiều dọc: chuỗi giá trị sản phẩm từ người cung ứng đầu vào - người sản xuất sản phẩm cuối cùng - người phân phối sản phẩm và theo chiều ngang: giữa các nhà sản xuất cùng một loại sản phẩm với sự phân công và hợp tác để tạo ra năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng còn rất nhiều yếu tố rào cản như môi trường đầu tư, nhất là pháp luật và thực thi pháp luật chưa tốt, thủ tục hành chính rườm rà, thời gian hoàn thành các công đoạn dự án kéo dài,… nên thu hút đầu tư hạn chế. Hệ thống giải pháp, chính sách khuyến khích, tín dụng ưu đãi, quỹ phát triển CNHT ở trung ương và địa phương,…chưa phát huy tác dụng trong thực tế.
Cần quy hoạch theo từng ngành và khu công nghiệp chuyên biệt
* Ông đánh giá như thế nào về khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng về CNHT của các DN Việt Nam hiện nay?
- Ở đây tôi đề cập đến một lĩnh vực cụ thể về linh kiện điện tử chẳng hạn. Hiện muốn làm công nghiệp hỗ trợ về thiết bị điện tử hiện nay, DN phải đầu tư từ 15 – 20 triệu USD để nhập các thiết bị máy móc hiện đại. Tôi cho rằng, với mức vốn này, hiện nay rất nhiều DN Việt có và sẵn sàng đầu tư.
 |
Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử. Ảnh: ST
|
Tuy nhiên, cái yếu của DN hiện nay là họ nắm bắt về thông tin kém, cũng như chưa biết “đường đi nước bước” như thế nào. Nếu có người chỉ cho họ, nhập máy móc ở đâu và làm như thế nào thì họ sẽ làm tốt.
Thậm chí, những DN chưa có đủ số vốn nêu trên thì có thể nhờ vào sự hỗ trợ của nhà nước thông qua quỹ 2.000 tỷ đồng mà Thủ tưởng Chính phủ chuẩn bị thành lập và các quỹ hỗ trợ với lãi suất ưu đãi của địa phương.
Một vấn đề quan trọng là khả năng của DN còn phụ thuộc vào chính sách của nhà nước. Ví như, đối với ngành ô tô, nếu chỉ hạn chế với quy mô sản xuất vài nghìn chiếc trong một năm thì rõ ràng không thể có CNHT cho ngành này được. Bởi lẽ không DN nào muốn làm vì phải bỏ ra số vốn đầu tư thiết bị máy móc khá lớn, trong khi lượng hàng yêu cầu thì quá ít. Bao giờ có quy mô sản xuất từ 1 triệu chiếc trở lên thì lúc đó mới mong CNHT cho ngành ô tô phát triển.
Ngược lại, với Samsung, hàng năm hãng này làm ra 200 triệu chiếc điện thoại di động và hàng trăm triệu máy tính bảng thì rõ ràng với quy mô lớn như vậy, thị trường là rất lớn để đầu tư phát triển CNHT.
* Nói như vậy thì lẽ ra CNHT cho Samsung phải rất phát triển. Tuy nhiên, mới đây, Samsung Việt Nam đã “đặt hàng” rất nhiều linh kiện như sạc pin, tai nghe, vỏ nhựa,...nhưng DN Việt không làm được. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
- Về việc này, chúng tôi đã có kiến nghị cụ thể đối với Samsung Việt Nam là họ cần thiết bị gì, như thế nào thì họ phải chỉ cho DN Việt biết để đáp ứng. Họ có thể tập hợp thành các danh mục với các yêu cầu về số lượng, chất lượng tương ứng, chỉ cho DN Việt nên nhập máy móc ở đâu, sản xuất như thế nào. Tôi tin, nếu họ làm vậy thì rất nhiều DN Việt sẽ đăng ký làm.
Tất nhiên, vai trò của DN là quyết định. DN phải tự vươn lên, đi vào hướng công nghệ cao, nghiên cứu và có sự lựa chọn phù hợp về các sản phẩm trong danh mục Samsung cần để đầu tư. Nhưng rõ ràng, trong giai đoạn sơ khai này, DN cần được hỗ trợ.
* Nước ta đã có định hướng phát triển khu CNHT, tuy nhiên sau một thời gian dài đến nay các khu công nghiệp này không phát triển được như mong đợi. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Ngay từ ban đầu, cá nhân tôi không tán thành việc hình thành các khu CNHT. Bởi CNHT là phải gắn với sản phẩm, sản phẩm nào thì CNHT cái đó, làm gì có khu CNHT.
Hiện nay, một nhược điểm rất lớn của Việt Nam là không có khu công nghiệp chuyên biệt mà làm theo kiểu đa ngành, hổ lốn, chỗ này tí giày da, chỗ kia tí may mặc…Thế nên để xây dựng một nhà máy thì việc làm hạ tầng rất khổ, xử lý môi trường rất khổ.
Chúng tôi kiến nghị là nên có một khu công nghiệp chuyên biệt, ở đó các DN gắn kết, hợp tác và phân công với nhau trong một loại sản phẩm với hạ tầng chung, xử lý môi trường chung, bạn hàng chung, tiêu thụ chung. Chúng ta phải làm được như vậy mới giải quyết được phần nào để phát triển ngành CNHT.
* Xin cảm ơn ông!