Theo đó, địa phương được thử nghiệm đầu tiên là Hà Nội và các vùng lân cận Hà Nội. Số lượng doanh nghiệp được chọn thí điểm sẽ từ 30 đến 50 doanh nghiệp, trong thời gian một năm. Đây sẽ là một trong những động thái cụ thể đầu tiên nhằm thúc đẩy cho công nghiệp hỗ trợ nước ta phát triển.
Giáo sư, TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, cuộc khảo sát sẽ tập trung chủ yếu vào việc nhận biết tình hình hoạt động và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí và cơ khí điện tử. Cuộc khảo sát bao gồm cả một số doanh nghiệp khởi nghiệp để xem các doanh nghiệp này có khả năng nâng cấp để tiệm cận được với yêu cầu làm công nghiệp hỗ trợ cho Samsung Electronics Vietnam (SEV) hay không. Sau khi chọn được các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì sẽ tiến hành thí điểm bắt đầu từ đầu năm 2015 (nếu sớm hơn càng tốt) đến hết năm 2015.
Đồng thời, từ kết quả khảo sát sẽ tổng kết mô hình thí điểm về phát triển công nghiệp hỗ trợ̣ cho SEV, rút ra những bài học từ thực tế kết hợp với nghiên cứu kinh nghiệm thành công và thất bại của một số nước trong khu vực để kiến nghị với Chính phủ về hệ thống giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020.
Tại Hội thảo Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vừa tổ chức ngày 11/9, một số chuyên gia đánh giá: việc hợp tác giữa Việt Nam với SEV để từng bước xây dựng hệ thống DN công nghiệp hỗ trợ là phương thức thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Ngược lại, SEV nhờ đó sẽ thiết lập được mạng lưới công nghiệp hỗ trợ tại địa phương, tạo điều kiện giảm giá thành, tăng giá trị gia tăng và tăng lợi nhuận.
Ông Shim Wonhwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Complex chia sẻ: Hiện nay, tổng số vốn đầu tư đăng ký của Samsung tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp phụ trợ đã lên tới gần 8 tỷ USD, với những dự án có quy mô lớn đã và đang được triển khai. Tùy thuộc vào kết quả đạt được, không khó để nói rằng, Samsung sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tương ứng trong thời gian sắp tới.
“Tuy nhiên, dù Samsung có mở rộng quy mô đầu tư và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam đến đâu chăng nữa thì vẫn cần có những điều kiện làm tiền đề. Một trong những tiền đề đó là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực tương ứng. Nếu không thể phát triển được công nghiệp phụ trợ trong nước, chắc chắn mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là không thể tránh khỏi, sẽ làm suy yếu về sức cạnh tranh và hệ quả là sẽ rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài”, ông Shim Wonhwan nhấn mạnh.
Trong thời gian gần đây, Chính phủ và cơ quan chức năng đã có nhiều động thái và phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ về thuê đất, mặt bằng, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nguồn nhân lực công nghệ cao, đưa ra các chính sách ưu đãi như: thuê đất và vay vốn đầu tư,… Đây sẽ là đòn bẩy vô cùng to lớn đối với các doanh nghiệp phụ trợ./.