Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Bộ công cụ Google trong tác nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/9, tại Hà Nội.
Ông Lê Văn Lợi – Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI) cho biết, DNNVV chiếm tỷ trọng rất lớn (trên 97%) trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam, với khoảng 500.000 DN; tuy nhiên, khi cạnh tranh quốc tế, sức cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam chỉ ví như một “đội thuyền thúng trước biển lớn”.
Lý giải về thực tế này, ông Lợi cho rằng, bên cạnh việc các DNNVV còn yếu về năng lực sản xuất kinh doanh, thì DN vẫn chưa biết tận dụng và khai thác hiệu quả những lợi thế của thương mại điện tử trong việc đẩy mạnh bán hàng, xuất khẩu sản phẩm cũng như quảng bá hình ảnh của DN trong một “thế giới phẳng” nhờ sự phát triển của Internet.
Theo ông Lợi, hiện nay DNNVV vẫn “hờ hững” với đầu tư vào công nghệ thông tin (CNTT) để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Với tâm lý “ăn xổi” các chủ DNNVV thường có quan niệm bỏ vốn đầu tư vào một khoản mục nào đó thì phải thấy ngay được kết quả đem lại được đo bằng tiền, bởi vậy đầu tư vào CNTT vẫn là vấn đề bị coi nhẹ trong hoạt động của DN”, ông Lợi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, DN thường không phân tích nghiệp vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh của mình nên khá lúng túng khi đặt vấn đề đầu tư CNTT; họ cũng chưa có thói quen thuê tư vấn để đầu tư và quan niệm về giá trị tư vấn chưa tương xứng.
Điểm đặc biệt, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, các DNNVV vẫn tồn tại phổ biến tâm lý thích “dùng của chùa” các phần mềm CNTT hỗ trợ cho hoạt động của DN.
“Trừ một số ít các phần mềm (phần mềm kế toán, quản lý bán hàng, phòng chống virut, các phần mềm mang tính đặc thù,…), các DNNVV hầu như không mua phần mềm, các phần mềm hỗ trợ chủ yếu là bẻ khóa hoặc dùng những phiên bản miễn phí,…”, ông Hưng cho biết.
Ông Hưng cũng cho rằng, đã đến lúc các DNNVV cần thay đổi lại suy nghĩ trong việc đầu tư vào CNTT để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là quảng bá hình ảnh và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.
“Hãy làm một phép so sánh, nếu doanh nghiệp “dùng của chùa” các ứng dụng CNTT tức chi phí bỏ ra là 0 đồng và đem lại lợi ích là 10 đồng (lợi 10 đồng - PV), so với chính sách nếu bỏ ra 10 đồng đầu tư sẽ thu lại được 100 đồng (lợi 90 đồng - PV), thì đây là thời điểm các DN cần suy nghĩ lại về chiến lược hoạt động của mình”, ông Hưng phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Trịnh Quang Chung, đại diện Google Châu Á – Thái Bình Dương, các DN còn cần sở hữu những trang web riêng và mang tính quốc tế hóa; thường xuyên đo lường hiệu quả làm việc để liên tục tối ưu hóa việc ứng dụng CNTT trong hoạt động,.../.