Làm sao để da giày Việt 'vượt khó' khi xuất khẩu vào EU?
05/10/2014 8:09
Fanpage Thời Báo Tài Chính
(TBTCO) - Có rất nhiều khó khăn DN xuất khẩu da giầy phải đối mặt tại thị trường này. Tuy nhiên, hiện nay, nổi cộm là vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm xuất khẩu.
Ông Bùi Văn Huấn, Phó Viện trưởng Viện Dệt may, Da giầy và Thời trang (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề về rào cản kỹ thuật trong thương mại tại thị trường châu Âu.
* Xin ông có thể cho biết đánh giá về những khó khăn cơ bản hiện nay mà DN xuất khẩu trong ngành da giầy đang phải đối mặt tại thị trường châu Âu?
- Có rất nhiều khó khăn DN xuất khẩu da giầy phải đối mặt tại thị trường này. Tuy nhiên, hiện nay, nổi cộm là vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm xuất khẩu.
Hàng năm các nước nhập khẩu sản phẩm da giầy đều bổ sung các tiêu chí mới. Vì vậy, DN Việt đang gặp phải khó khăn trong việc nắm bắt các thông tin về các quy định mới, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn tư nhân tại thị trường EU.
Trên thực tế, phải thừa nhận chúng ta chưa có các thương hiệu mạnh, kết quả thí nghiệm và chứng nhận của Việt Nam chưa được quốc tế thừa nhận…
|
![]() |
An toàn sản phẩm da giày là vấn đề tương đối mới và khó đối với DN sản xuất trong ngành da giầy Việt Nam, nhất là DNNVV. |
![]() |
|
Ông Bùi Văn Huấn
|
|
|
Bên cạnh đó, các hóa chất trong sản phẩm da giày rất nhiều và việc đánh giá rất phức tạp, nên DN phải gửi mẫu ra nước ngoài với chi phí tốn kém, dẫn đến giảm sức cạnh tranh, giá trị gia tăng thấp.
Mặt khác, vấn đề về kiểu mẫu của ngành da giầy Việt vẫn là điểm yếu chưa khắc phục được.
* Nói đến vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm xuất khẩu, ông có thể cho biết về thực trạng hệ thống đo lường chất lượng cũng như các phòng thí nghiệm chất lượng cho các sản phẩm da giầy hiện nay của Việt Nam?
- An toàn sản phẩm da giày là vấn đề tương đối mới và khó đối với DN sản xuất trong ngành da giầy Việt Nam, nhất là DNNVV. Qua kết quả khảo sát DN cho thấy, rất ít DN trong nước quan tâm đến vấn đề này.
Trên thực tế, do nước ta chưa có quy định về an toàn sinh thái của nguyên phụ liệu và sản phẩm da giầy nhập khẩu cũng như trong nước, nên chưa có sự quan tâm thích đáng đến việc đầu tư con người và máy móc công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Đây cũng là khó khăn cho DN da giầy nước ta, DN phải gửi mẫu đến các phòng thử nghiệm ở nước ngoài để có kết quả cho khách hàng nhập khẩu chứng nhận. Chính vì vậy, DN mất rất nhiều công sức, thời gian và chi phí.
|
Ngành da giầy Việt Nam chủ yếu vẫn "đóng vai" gia công. Ảnh: TL
|
* Trước thực trạng bất cập đó, theo ông, để có thể hội nhập được với thị trường thế giới, nhất là thị trường EU thì DN cần làm gì?
- Trên thực tế, sản phẩm da giầy hiện nay của Việt Nam xuất khẩu là chủ yếu. Nhưng chúng ta lại sản xuất theo phương thức gia công là nhiều. Do vậy, nguyên phụ liệu để sản xuất là do khách hàng đảm nhiệm, chỉ định. Trong khi an toàn sinh thái của sản phẩm là do an toàn nguyên phụ liệu quyết định chủ yếu. Thế nên, vai trò của DN trong vấn đề này không cao.
Từ trước đến giờ, chỉ những DN sử dụng nguyên phụ liệu trong nước để xuất khẩu thì mới quan tâm đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn trên. Tuy nhiên, chúng ta đang hướng đến nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu, thoát khỏi cảnh gia công, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm...
Để làm được điều đó, DN buộc phải chủ động nguồn nguyên phụ liệu, tăng cường thiết kế mẫu mã để có được sản phẩm “vừa chân” và đào tạo nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành rất thiếu và hạn chế, nước ta chỉ mới đào tạo hệ cao đẳng cho chuyên ngành này nên chưa có đội ngũ chuyên sâu..
Song song với điều đó thì nhà nước cần có sự hỗ trợ đối với DN để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn an toàn, trung tâm kiểm định…Khi chuyển đối từ gia công sang chủ động sản xuất xuất khẩu cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường thì giá trị gia tăng sẽ cao hơn rất nhiều, lợi nhuận, thế mạnh và tính cạnh tranh của DN sẽ tốt hơn.
* Xin cảm ơn ông!