Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày Việt Nam chia sẻ với phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề về một số điểm yếu cũng như giải pháp giúp DN da giày Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa tiềm năng, nhưng bị bỏ ngỏ bấy lâu nay.
* Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi được chặng đường dài 5 năm với những kết quả khả quan. Bà đánh giá như thế nào về vị thế của các sản phẩm da giầy, may mặc “made in Việt Nam” tại thị trường nội địa hiện nay?
- Đến nay, hàng “made in Việt Nam” đã rất được ưa chuộng, đặc biệt là hàng giày, dép, may mặc. Bởi vì, qua quá trình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng đã nhận thức được hàng Việt có chất lượng tốt không thua kém bất cứ nước nào và đã được xuất đi rất nhiều nước trên thế giới.
|
|
 |
Trước hết, DN cần nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, nghĩa là cung cấp được những sản phẩm người tiêu dùng cần chứ không phải cung cấp cái mình có. |
 |
|
Bà Phan Thị Thanh Xuân
|
|
|
Trước đây, người dân sử dụng quá nhiều hàng made in Trung Quốc. Tuy nhiên, sau nhiều tin đồn về chất lượng cũng như hiểm họa tiềm ẩn của hàng Trung Quốc thì người Việt đã không còn "mặn mà" nữa. Chúng ta đều biết, hàng Trung Quốc đa số nhập vào nước ta qua con đường trốn lậu thuế, không theo chính thống và chất lượng rất kém.
Hiện, sản phẩm giày, dép, may mặc của nước ta sản xuất hơn hàng Trung Quốc cả về chất lượng cũng như về giá cả.
* Tuy nhiên thực tế hiện nay, hàng da giầy Trung Quốc vẫn chiếm thị phần không nhỏ tại thị trường Việt Nam. Theo bà, lợi thế lớn nhất của sản phẩm da giày Trung Quốc so với Việt Nam là gì?
- Điểm yếu lớn nhất của sản phẩm da giày "made in Việt Nam" là mẫu mã khó đa dạng như hàng Trung Quốc. Vì Trung Quốc có hẳn một vùng nguyên liệu, chợ nguyên liệu đầy đủ, đa dạng, phong phú nên việc thay đổi mẫu mã rất đơn giản.
DN Việt cũng có thể đa dạng hóa được mẫu mã nhưng cái khó là không có vùng nguyên liệu nên chỉ có thể đa dạng mẫu trong phạm vi nguyên liệu mình có, mà những cái mình có thì lại rất hạn chế.
Chúng tôi đánh giá, khả năng sáng tạo mẫu mã của DN Việt không hề kém Trung Quốc nhưng do hạn chế về công nghiệp phụ trợ nên chưa làm được. Đây cũng là thua thiệt của DN Việt.

|
Cuối năm là thời điểm bán rất tốt các sản phẩm da giày thời trang. Ảnh: Hoàng Lâm
|
* Theo bà, để gia tăng thị phần tại thị trường nội địa, DN Việt cần phải làm thế nào? Nhất là việc chiếm lĩnh thị trường đang bị hàng Trung Quốc bao phủ là nông thôn và miền núi, thưa bà?
- Trước hết, DN cần nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, nghĩa là cung cấp được những sản phẩm người tiêu dùng cần chứ không phải cung cấp cái mình có.
Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta mới chỉ có khâu bán hàng mà thiếu hẳn khâu chăm sóc khách hàng. Hiện rất ít DN nội làm được khâu này, mới chỉ có Bitis làm được, trong khi đó, ở các nước phát triển khâu này rất được chú trọng. Phải để người tiêu dùng có ý kiến đóng góp thì DN mới phát triển bền vững, ổn định được.
Chất lượng đời sống của người tiêu dùng đang ngày càng được nâng cao và bắt đầu chú trọng vào những sản phẩm tốt. Vì vậy, DN nào có được sản phẩm tốt sẽ chiến thắng trên thị trường. Thế nên, DN cần có chiến lược, cải tiến và đưa ra dịch vụ tốt nhất để giữ chân người tiêu dùng.
Hiện nay, hàng Trung Quốc đang bao phủ thị trường nông thôn, miền núi, điều này DN nội biết và đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của thị trường nông thôn.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã luôn tạo ra nhiều kênh cho DN đưa hàng về nông thôn – điều này cũng giống như tạo ra con đường đi thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, chương trình chưa được làm liên tục và hiệu quả chưa cao, nhưng rõ ràng, qua các chương trình như vậy người tiêu dùng khu vực nông thôn đang dần biết đến và sử dụng hàng da giày Việt Nam.
Sắp tới là “tháng củ mật” của thị trường da giày nội địa, các DN nên tận dụng sự hỗ trợ của nhà nước để đưa hàng về nông thôn nhiều hơn, đặc biệt phải cố gắng tạo ra điểm nhấn, phải có những chương trình dài hơi hơn, liên tục hơn, có như vậy người tiêu dùng ở nông thôn mới tin tưởng và lựa chọn hàng Việt.
* Bà đánh giá như thế nào về thị trường da giày nội địa những tháng cuối năm?
- Theo xu hướng chung những tháng cuối năm sức mua thường tăng, vì vậy thị trường ngành da giày cũng sẽ tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt trong các dịp lễ, tết, nô-en… là thời điểm bán rất tốt các sản phẩm da giày thời trang, đây là cơ hội tuyệt vời cho DN xúc tiến thương mại và giải phóng hàng tồn kho.
* Xin cảm ơn bà!