Bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, chuyên gia tư vấn của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG)... đã cho biết như vậy tại Hội thảo “Đơn giản hóa thủ tục chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”, do Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID GIG phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/10, tại Hà Nội.
Doanh nghiệp lúng túng
Theo công bố về kết quả đo thời gian giải phóng hàng của Tổng cục Hải quan năm 2013, thời gian từ khi đăng ký tờ khai, đến khi cơ quan Hải quan ra quyết định thông quan giải phóng hàng chỉ chiếm khoảng 28% tổng số thời gian (115 giờ) từ khi hàng đến cảng/cửa khẩu đến khi hàng có quyết định thông quan/giải phóng hàng rời khỏi khu vực giám sát hải quan. 72% thời gian còn lại là của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).
Bà Đặng Thị Bình An cũng cho biết, qua khảo sát một số doanh nghiệp và các bộ, ngành cho thấy, doanh nghiệp đang khai hải quan điện tử thì sự phản hồi thông tin từ cơ quan hải quan là khá nhanh.
Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu theo cơ chế hiện nay đang khiến doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện, phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi và kéo dài thời gian.
 |
Cần rà soát lại danh mục hàng hóa cần kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm thủ tục cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: ĐT
|
Theo đánh giá của Hải quan hiện đang có khoảng 50 -60% hàng nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành. Thực tế hiện nay, các danh mục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu quá nhiều và vẫn chưa có quy định rõ ràng, còn có nhiều mặt hàng thuộc danh mục chưa ban hành quy chuẩn nên không có căn cứ để kiểm tra, cùng một mặt hàng nhưng lại chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, trong khi mỗi bộ quy định và thực hiện khác nhau về tiêu chí kiểm tra và quản lý các mặt hàng đó.
Nhiêu khê trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa phải kể đến các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt hàng thực phẩm có nhiều bộ tham gia quản lý nhưng chiêu thức kiểm tra chưa thống nhất gây khó khăn cho DN. Điển hình, mặt hàng sữa có Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng quản lý. Tương tự mặt hàng chè có 2 bộ quản lý là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế…
Bên cạnh đó, phương pháp kiểm tra, quản lý chưa hợp lý, như hình thức kiểm tra theo lô hàng, kiểm tra tại cửa khẩu… Chưa chỉ định tổ chức kiểm tra, kiểm định khiến doanh nghiệp không biết nơi nào kiểm tra hàng hóa của mình. Chẳng hạn như phụ gia có cả hành, có cả ớt, doanh nghiệp không biết kiểm tra ở đâu. Chính vì vậy, thời gian thông quan kéo dài mà hiệu quả thực chất của việc kiểm tra này không cao. Kết quả kiểm tra các lô hàng không đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ rất nhỏ (chỉ 1%).
Khó cho cả hải quan
Đánh giá về những bất cập trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, văn bản không rõ ràng, không minh bạch, hợp lý, không hiệu lực… tạo ra rủi ro và tăng chi phí cho doanh nghiệp và những người thực hiện. Và toàn bộ chi phí này doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Để việc thực hiện các giải pháp đơn giản hóa thủ tục chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được đồng bộ, các chuyên gia của USAID GIG góp ý, các bộ, ngành cần rà soát lại danh mục hàng hóa cần kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm bớt đến mức tối thiểu danh mục. Ban hành quy chuẩn các sản phẩm thuộc danh mục để làm căn cứ kiểm tra kiểm soát.
Các bộ, ngành cần ban hành thông tư hướng dẫn phương pháp quản lý, kiểm tra, giám sát như chỉ định rõ cơ quan kiểm tra, phân loại hàng hóa nào cần kiểm tra ở cửa khẩu, những loại hàng hóa nào đưa về tuyến sau…
Bên cạnh đó cần kết nối thông tin giữa các bộ, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ và cơ quan hải quan, cũng như quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành để tránh chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm, cũng như tiết kiệm đựơc chi phí, rút ngắn thời gian trong quá trình thực hiện.
Ông Ngô Minh Hải - Phó cục trưởng Cục giám sát và quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, Hải quan là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, thực hiện các văn bản của nhà nước, các bộ, ngành về xuất nhập khẩu. "Do vậy nếu doanh nghiệp khó khăn do các văn bản của các bộ, ngành không thống nhất, cụ thể thì cơ quan hải quan cũng gặp phải tình huống tương tự. Để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan, các văn bản từ các bộ, ngành đưa ra cần thống nhất, rõ ràng, dễ hiểu, gắn với thực tiễn", ông Hải đề xuất./.