Đây là một trong các quy định tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư 38/2006/TT-BTC quy định về hoạt động bàn giao, tiếp nhận, xử lý nguồn thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu.
Trích 30% tiền thu hồi, xử lý nợ để lại cho DATC
Theo quy định tại Thông tư 38/2006/TT-BTC hiện hành, để bù đắp chi phí tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản DATC được để lại 20% số tiền thu được từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản. Tuy nhiên Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của DATC thì thực tế thời gian qua mức trích 20% không đủ để bù đắp các chi phí cho hoạt động tiếp nhận, xử lý, thu hồi nợ và tài sản.
Nếu tính đủ các chi phí trực tiếp (định giá, đấu giá, lưu kho…) và chi phí gián tiếp (công tác phí, chi phí tiền lương bộ phận làm công tác tiếp nhận, chi phí quản lý…) thì tổng thu trừ tổng chi năm 2011 là: - 1,8 tỷ đồng, năm 2012 là: - 903 triệu đồng, năm 2013 là: - 2,1 tỷ đồng, 9 tháng năm 2014 là -3,5 tỷ đồng.
Nếu tính mức trích 30% để lại cho DATC thì kết quả tổng thu trừ tổng chi năm 2011 là: - 480 triệu đồng, năm 2012 là: 1,016 tỷ đồng, năm 2013 là: - 692 triệu đồng, 9 tháng năm 2014 là: - 1,7 tỷ đồng, như vậy cũng chưa bù đắp hết chi phí phát sinh.
Do đó qua rà soát, nhằm hạn chế việc giảm số thu về cho Nhà nước và hỗ trợ thêm cho DATC để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời cũng khuyến khích DATC tính toán, tiết kiệm chi phí, Bộ Tài chính điều chỉnh tại dự thảo Thông tư mức trích cho DATC là 30%.
Doanh nghiệp phải chịu lãi nếu chậm nộp
Cụ thể theo Bộ Tài chính, số tiền sau khi trích cho các đơn vị (DN giữ hộ hưởng 10%, DATC 30%) này, dự thảo Thông tư có điều chỉnh lại là nộp về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển DN (HTSX&PTDN) cho phù hợp với Quy chế tài chính của DATC (QĐ số 2857/QĐ-BTC ngày 9/11/2012 của Bộ Tài chính), thay vì nộp vào Ngân sách nhà nước như trước đây.
Đồng thời bổ sung quy định trường hợp DN chậm nộp tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản trước khi bàn giao về DATC theo hướng tương tự như phạt chậm nộp tiền về Quỹ HTSX&PTDN theo quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ HTSX&PTDN.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định đối với tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản trước khi bàn giao cho DATC và trước thời điểm dự thảo Thông tư này có hiệu lực thi hành, DN có trách nhiệm nộp về DATC trong thời gian 5 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.
Trường hợp chậm nộp thì DN phải chịu lãi. Cụ thể, trường hợp chậm nộp trong vòng 03 tháng, tiền lãi tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm gần nhất cho số tiền và thời gian chậm nộp. Sau thời hạn 3 tháng, doanh nghiệp phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền vay quá hạn cho số tiền chậm nộp của thời gian quá hạn sau 3 tháng.
Tiền phạt chậm nộp nói trên không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; doanh nghiệp chỉ được dùng nguồn lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp để bù đắp sau khi trừ đi các khoản bồi thường, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm nộp (nếu có).
Theo Bộ Tài chính, quy định này nhằm xử lý dứt điểm những khoản mà DN còn tồn đọng chưa nộp về DATC do chưa xác định rõ có phải nộp tiền lãi chậm nộp hay không. Trước đó, Thông tư 38/2006/TT-BTC không quy định nộp lãi.