Ông Lê Quốc Tuấn, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cho biết, qua rà soát, kiểm tra 8.839 doanh nghiệp thành lập từ năm 1992 đến nay trên địa bàn tỉnh, có gần 3.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực ngành nghề ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chiếm 33,7%. Trong số này, có 2.132 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, số còn lại không thực hiện thủ tục giải thể nhưng không còn khả năng hoạt động.
Phần lớn những doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khoảng thời gian 2006 - 2011, tập trung ở thành phố Rạch Giá và các huyện Phú Quốc, Hòn Đất, Châu Thành… Các doanh nghiệp giải thể chủ yếu do ảnh hưởng, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, trong khi tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nên sản xuất, kinh doanh không đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thành lập theo kiểu “phong trào” cho “bằng chị, bằng anh” trên thương trường, nhưng tiềm lực tài chính yếu kém, không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng và lãi suất vay ngân hàng khá cao.
Mặt khác, do chi phí đầu vào tăng cao, thị trường nội địa và xuất khẩu bất lợi, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa khó khăn, lợi nhuận không đủ trả vốn vay, lãi suất ngân hàng, nộp thuế… doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần, không còn khả năng tài chính để hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác đến từ khả năng quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp hạn chế, yếu kém, không đủ sức cạnh tranh trên thương trường.
Theo ông Lê Quốc Tuấn, sau khi thành lập, được cấp giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp tự do hoạt động, không có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể việc hậu kiểm doanh nghiệp từ cấp có thẩm quyền nên ngành chức năng không nắm được thông tin, trạng thái hoạt động thực tế của doanh nghiệp.
Qua rà soát, kiểm tra, khá nhiều chủ doanh nghiệp “biến mất”, không còn ở tại địa chỉ đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh ban đầu; hơn 40 doanh nghiệp hoạt động “trên giấy”, không tìm được chủ nhân, địa chỉ dù có thủ tục đăng ký ngành nghề, sản xuất, kinh doanh cụ thể.
Tuy nhiên, hầu hết quy mô của từng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ nên không để lại hệ lụy lớn về vốn vay, nợ đọng thuế… và không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, đối với các doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, nhưng còn nợ ngân hàng, nợ đọng thuế và chưa giải quyết xong những điều kiện bắt buộc khác thì thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh, đồng thời giao cho các ngành chức năng hữu quan phối hợp với địa phương xử lý tồn đọng theo quy định hiện hành của pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở sẽ cập nhật thông tin, quản lý, kiểm soát thực tế hoạt động của các doanh nghiệp hiện hữu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hạn chế yếu kém, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Ngoài ra, Sở cũng sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thành lập mới doanh nghiệp gắn với tái cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp theo hướng tiềm lực tài chính lành mạnh, sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao./.