
Tại thời điểm 11 giờ 15 phút trưa ngày 13/11, giá vàng SJC niêm yết trên hệ thống bảng giá trực tuyến của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh đứng ở mức 35,04 – 35,16 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cà Mau, Bình Phước, Khánh Hòa cùng đứng ở mức 35,04 – 35,18 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), nhích tăng hơn so với cùng thời điểm trưa hôm qua 20 ngàn đồng/lượng, nhưng lại giảm 10 ngàn đồng/lượng so với mức giá chốt cuối ngày hôm qua (12/11).
Cùng thời điểm trên giá vàng SJC niêm yết trên hệ thống DOJI toàn quốc đứng ở mức 35,10 – 35,15 triệu đồng/lượng (giao dịch lẻ) và 35,11 – 35,14 triệu đồng/lượng (giao dịch buôn). Còn tại hiệu vàng Phú Nhuận, giá vàng SJC cùng thời điểm được niêm yết ở mức giá 35,08 – 35,14 triệu đồng/lượng.
Còn trên thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục chịu sức ép từ việc lên giá của đồng đô la Mỹ và giá dầu thô tiếp sụt đi xuống. Tại thời điểm 11 giờ 43 phút trưa 13/11 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco của Singapore đứng ở mức 1.165,88 USD/ounce. Qui đổi theo tỷ giá ngân hàng đang tương khoảng 2,92 triệu đồng/lượng – thấp hơn giá vàng SJC bán ra tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 5,2 triệu đồng/lượng.
Trước đó, giá vàng trên thị trường Mỹ đã quay đầu đi xuống, khi đóng cửa phiên 12/11, giá vàng giao ngay đã tại sàn COMEX của Mỹ giảm 0,5% xuống còn 1.158,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2014 giảm 3,9 USD xuống còn 1.159,1 USD/ounce, với khối lượng giao dịch lớn hơn 20% so với khối lượng giao dịch trung bình trong 30 ngày, theo số liệu của Reuters.
Diễn biến giá vàng SJC trong 3 ngày qua. Nguồn sjc.com.vn
Giá vàng thế giới vẫn diễn biến khá nặng nề, mặc dù chứng khoán Mỹ đang quay đầu đi xuống. Cụ thể, trong phiên 12/11, chứng khoán phố Wall đã chấm dứt năm phiên tăng điểm kỷ lục sau khi các cơ quan quản lý quốc tế tuyên bố phạt sáu ngân hàng lớn của châu Âu và Mỹ tổng số tiền lên tới 4,3 tỷ USD do có hoạt động thao túng các thị trường ngoại tệ.
Thông tin này đã khiến cổ phiếu của ba ngân hàng lớn của Mỹ mất giá lần lượt là JPMorgan Chase (-1,3%), Citigroup (-0,7%) và Bank of America (-0,2%). Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,7 điểm (0,02%), xuống 17.612,20 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ nhẹ 1,43 điểm (0,07%), xuống 2.038,25 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại ghi thêm 14,58 điểm (0,31%), lên 4.675,13 điểm, nhờ cổ phiếu của Apple và Yahoo tăng giá.
Sang tới phiên giao dịch ngày 13/11, các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm nhẹ, với chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,1%.
Tại thị trường Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,4%, lên 2.504,38 điểm, trong khi tại Hong Kong chỉ số Hang Seng hạ 25,13 điểm (0,10%), xuống 23.913,05 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 tại thị trường Australia cũng giảm 0,5% vào thời điểm mở cửa phiên. Còn chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,03%, hay 5,05 điểm, xuống còn 17.192 điểm.
Thông thường giá vàng sẽ được “hưởng lợi” khi dòng vốn trên thị trường chứng khoán giảm điểm, bởi dòng vốn đầu cơ thường chuyển hướng tìm sang kênh đầu tư khác sinh lợi hơn. Nhưng hiện tại, dường như thị trường vãng vẫn không thể “lôi kéo” được dòng vốn từ thị trường chứng khoán.
Các nhà phân tích cho rằng, thị trường vàng đang kẹt lại trước sức ép gia tăng giá trị của đồng đô la Mỹ, cũng như việc giá dầu thô đang tiếp tục sụt giảm về mức khá sâu. Cụ thể, giá dầu Brent đã giảm xuống ngưỡng thấp 80 USD/thùng do lo ngại về tình trạng “cung vượt cầu” và giá trị “đồng bạc xanh” tăng 0,3% so với các tiền tệ chủ chốt khác.
Hiện tại, không những không thu hút được dòng vốn chảy vào, mà thị trường vàng còn tiếp tục chứng kiến sự tháo chạy của các quỹ đầu tư lớn. Cụ thể, theo thông tin từ Quỹ đầu tư vàng SPDR Gold Trust - quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới – thì quỹ này đã xả hàng 7 ngày liên tiếp và hiện quĩ này chỉ còn nắm 722,67 tấn hôm 12/11, mức nắm giữ thấp nhất của quĩ này trong vòng hơn 6 năm qua./.