Đây là vấn đề được tập trung trao đổi tại Hội thảo “Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của doanh nghiệp”, do Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/11, tại Hà Nội.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn sản xuất kinh doanh theo lối mòn truyền thống là tập trung đầu tư cho các loại tài sản hữu hình như nhà máy, đất đai, công xưởng….
Những tài sản vô hình như sở hữu trí tuệ, thương hiệu nhìn chung ít được quan tâm thích đáng. Điều này được phản ánh thông qua tỷ lệ phần trăm giá trị tài sản vô hình so với tổng giá trị của doanh nghiệp tính trên thị trường, chỉ chiếm khoảng dưới 20% hoặc thậm chí thấp hơn ngay cả tại những doanh nghiệp trong Danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu (VNR500).
Cũng theo bà Hằng, chính việc thiếu sự đầu tư một cách thỏa đáng cho việc xây dựng thương hiệu đã lý giải vì sao Việt Nam chưa có các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tầm cỡ khu vực và thế giới. “Công tác xây dựng thương hiệu bị đánh đồng với hoạt động “truyền thông tiếp thị” (quảng cáo), bị hiểu như một khoản chi phí thuộc ngân sách tiếp thị trong báo cáo lãi lỗ, bị coi là nằm trong và thường chịu sự quản lý của bộ phận marketing vốn không được đề cao lắm trong cấu trúc doanh nghiệp”, bà Hằng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Stephen Kreppel, Chuyên gia xây dựng thương hiệu quốc gia Công ty Tư vấn National Consultancy cho rằng, các sản phẩm không có thương hiệu sẽ gặp nhiều bất lợi lớn như giá trị gia tăng thấp, kết nối chuỗi giá trị lỏng lẻo,… gây ảnh hưởng đến uy tín của tất cả các hàng xuất khẩu dưới tên Việt Nam.
Để có được những sản phẩm thương hiệu mạnh, bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, doanh nghiệp cần chuyển đổi tư duy về thương hiệu từ cái nhìn chiến thuật đến tầm nhìn dài hạn và mang tính chiến lược, thay đổi các hoạt động marketing nhỏ lẻ đến các hoạt động xây dựng thương hiệu tổng thể, coi xây dựng thương hiệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất được dẫn dắt trực tiếp bởi lãnh đạo doanh nghiệp…
Mặt khác, theo ông Stephen Kreppel, muốn xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần có sự đầu tư đúng mức cho vấn đề này, cần nghĩ đến thuê đội ngũ chuyên gia tư vấn về thương hiệu. Đặc biệt quan trọng, trong quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp phải tìm hiểu được người tiêu dùng thực sự muốn gì, phải xây dựng được sản phẩm mang tính chất khác biệt của mình để người tiêu dùng sẵn sàng trả mức giá cao hơn so với mặt hàng cùng loại của đối thủ.
“Xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam là cách để doanh nghiệp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và uy tín của Việt Nam. Đồng thời cũng là chìa khóa để doanh nghiệp Việt nâng cao giá trị của sản phẩm, sẵn sàng nắm bắt được các cơ hội mang lại từ việc hội nhập kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp tham gia Cộng đồng kinh tế Asean và các hiệp định thương mại lớn của thế giới”, ông Stephen Kreppel nhấn mạnh./.