Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và quản lý” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
|
Người tiêu dùng bị thiệt hại rất nhiều nếu mua phải tôn thép giả - Ảnh minh họa
|
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, hiện tượng tôn thép giả đã xuất hiện trên diện rộng, trong một thời gian dài và đến nay vẫn chưa kết thúc tại nhiều địa phương như: Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên và ngay cả ở Thủ đô Hà Nội.
Hiện tượng tôn thép giả thường biểu hiện ở các cách như: in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín trong ngành tôn thép in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; bán hàng không đúng quy định về quy cách, kích thích, chất lượng,…; không xuất hóa đơn; nhập hàng Trung Quốc chất lượng kém rồi in nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam để tiêu thụ,...
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) cho biết, vấn nạn tôn thép giả tác động xấu đến thị trường, làm ảnh hưởng đến uy tín, thị phần và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Đặc biệt, người tiêu dùng đã bị “móc túi” đủ cách và nguy hiểm hơn, tôn thép giả còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng các công trình xây dựng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người sử dụng.
Thừa nhận thực trạng trên, từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CtyCP Tập đoàn Hoa Sen đưa ví dụ về thiệt hại đối với người tiêu dùng. Theo tính toán của Tôn Hoa Sen, mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị “móc túi” khoảng 4.000 – 6.000 đồng/m tôn.
Giả sử với một ước tính thận trọng, khoảng 20% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái tương đương khoảng 346 nghìn tấn (tổng sản lượng của ngành tôn năm 2014 ước tính là 1,73 triệu tấn theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam), tính ra mét là 98.856.000m tôn (lấy bình quân 1m tôn cân nặng 3,5 kg) thì số tiền thiệt hại ít nhất là 394 tỷ đồng.
“Đây là một con số khá lớn cho thấy tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng cuối cùng”, ông Vũ nhấn mạnh.
Để ngăn chặn xử lý các vi phạm gian lận thương mại đối với chất lượng tôn thép xây dựng, ông Nguyễn Trọng Tín cho rằng, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôn thép với cơ quan chức năng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần cung cấp cho cơ quan chức năng dấu hiệu phân biệt hàng thật – hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp, tiêu chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp áp dụng, quy cách kỹ thuật của sản phẩm,… các dấu hiệu này tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý thị trường trong việc kiểm tra, xử lý và phát hiện vi phạm.
Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, cần tăng cường phổ biến cho người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng và mua phải tôn thép kém chất lượng; cách phân biệt giữa sản phẩm tôn thép giả và tôn thép chính hãng; nhận biết các hình thức gian lận thương mại đang diễn ra phổ biến trên thị trường; thông tin kịp thời cho nhà sản xuất hoặc cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời xử lý;…./.