Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tại Hội nghị "Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thuốc trong nước" do Bộ Y tế tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Mở rộng thị trường thuốc nội rất gian nan
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, hiện tại việc mở rộng thị trường thuốc nội gặp rất nhiều khó khăn và gian nan. Bởi vì người dân từ trước đến nay vẫn có tâm lý thích sử dụng thuốc ngoại, thậm chí ngay cả bác sĩ kê đơn cũng vậy.
Bên cạnh đó, tuy nước ta có hệ thống doanh nghiệp (DN) sản xuất được thuốc tốt nhưng lại chưa biết cách quảng bá, tuyên truyền thuốc trên thị trường. Chính vì thế, thuốc Việt vẫn bị lép vế trên sân nhà.
Ngoài ra, theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, 50% lệ thuộc vào nhập khẩu. Trong đó, chỉ tính riêng nhập khẩu nguyên liệu đã lên đến 90%.
Cũng theo ông Cường, hầu hết các DN trong ngành dược đều là DN nhỏ với lượng vốn không nhiều nên việc đầu tư công nghệ bị hạn chế, phí cho nghiên cứu phát triển thấp, cơ cấu sản phẩm trùng lặp, thiếu định hướng vĩ mô…
|
90% nguyên liệu phải nhập khẩu khiến ngành dược rất khó để phát triển. Ảnh: TL
|
“Về dây chuyền sản xuất, hầu hết chỉ tập trung vào sản xuất cốm, dây chuyền kem mỡ, nước uống, nước dùng ngoài, nang mềm. Trên thực tế sản xuất thuốc trong nước hiện nay vẫn chủ yếu sản xuất thuốc bào chế đơn giản. Trong khi đó, phần lớn thuốc đặc trị ở dạng bào chế phức tạp. Các loại thuốc biệt dược, chuyên khoa đặc trị, một số loại thuốc thường dùng quan trọng như thuốc gây mê, giải độc…thì trong nước chưa sản xuất được”, ông Cường phân tích thêm.
Khó đạt mục tiêu thuốc nội chiếm 80%
Trong Chiến lược Quốc gia Phát triển ngành dược giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm. Trong đó, thuốc từ dược liệu chiếm 30%, vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu của Chương trình tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ...
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị triển khai Chiến lược Quốc gia Phát triển ngành dược đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được tổ chức tại Hà Nội ngày 6/11 vừa qua, nhiều chuyên gia lo ngại tính khả thi của Chiến lược. Trong thời gian tới rất khó có thể “chạm” tới những mục tiêu này bởi lẽ, trước mắt với những thực trạng nêu trên, ngành dược phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, trong các bệnh viện, phòng khám vẫn có hiện tượng bác sĩ nhận hoa hồng khi kê toa cho thuốc ngoại hay có sự "bắt tay" của các nhà sản xuất thuốc nước ngoài và các nhà phân phối trong nước...đẩy thuốc nội vào tình trạng cạnh tranh vô cùng khốc liệt với thuốc ngoại. Điều này cản trở không nhỏ đến sự phát triển của thuốc nội.
Khi đầu tư sản xuất dược phẩm, điều quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu tại chỗ bởi nguyên liệu chiếm gần 60% chi phí sản xuất. Trong khi đó, hiện nay ở nước ta 90% nguồn nguyên liệu dược hiện phải nhập khẩu. Vì vậy, nếu không có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nhà nước, ngành dược sẽ khó có thể phát triển./.