Đây là chia sẻ của ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.
PV: Theo ông, DN Việt Nam có lợi thế nào khi AEC được thành lập?
Ông Võ Trí Thành: Theo tôi cơ hội nhiều nhưng cũng xen lẫn với thách thức. Cái lợi đơn giản nhất có thể nhìn thấy là những ngành nghề có lợi thế so sánh sẽ phát huy tốt hơn, ví dụ những ngành như da giày, dệt may...
Tiếp theo, việc gắn nền kinh tế Asean với các nền kinh tế năng động khác trên thế giới với nhiều tầng lớp có thu nhập cao sẽ kéo theo việc tiêu dùng tăng lên, đây là cơ hội để DN phát triển.
Mặc dù có cạnh tranh rất quyết liệt, nhưng Asean là mạng, là chuỗi của khu vực và toàn cầu, do vậy việc tham gia Asean cũng giúp DN Việt Nam mở rộng thị trường, có thể len chân vào những mạng và chuỗi toàn cầu ấy một cách tốt hơn.
Trên thực tế Việt Nam không chỉ là nơi nhận đầu tư mà nhiều DN trong nước đã mở rộng đầu tư sang Asean và các nước khác để tận dụng những cơ hội mới, tham gia vào chuỗi giá trị của thế giới theo cách mới.
Thêm nữa, Asean cũng mở ra cơ hội hợp tác cho cộng đồng DN, vấn đề tài chính của các DN trong nước cũng được hưởng lợi hơn nhờ mối liên kết toàn cầu.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đó là tính cạnh tranh sẽ rất cao, hơn nữa do hội nhập chậm hơn nhiều nước nên kinh nghiệm của DN Việt cũng yếu hơn.
PV: Thời điểm AEC được hình thành đã đến rất gần, ông đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng của DN Việt Nam tham gia “sân chơi” này?
|
|
 |
Đừng nhìn AEC chỉ như một khối kinh tế, mà phải nhìn như một thị trường để sản xuất kinh doanh vì độ mở của nó. Thị trường Asean không chỉ là thị trường của riêng Asean, mà nó còn là thị trường để kết nối với khu vực và thế giới trong chuỗi sản xuất, qua đó các DN sẽ có cơ hội mở rộng kinh doanh ra khu vực và toàn cầu. |
 |
|
Ông Võ Trí Thành
|
|
|
Ông Võ Trí Thành: Hiện Việt Nam đã thu hẹp đáng kể về mặt văn bản pháp lý, hệ thống văn bản pháp quy và các cam kết đã đáp ứng được lộ trình và chương trình hành động hướng tới AEC.
Tuy nhiên, trong khi mức độ sẵn sàng của quốc gia được đánh giá cao thì điều đáng quan tâm là sự chuẩn bị và hiểu biết của cộng đồng DN về AEC còn thấp. Theo điều tra mới chỉ có trên 30% số DN đã sẵn sàng thích nghi, còn lại đa phần các DN vẫn thiếu hiểu biết về “sân chơi” này.
Một điều nữa, DN không quan tâm nhiều đó là họ chỉ nghĩ đến việc làm ăn trong nước, trong khi chưa chú trọng đến sự gắn kết với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thị trường nước ngoài, do vậy sự sẵn sàng của DN, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn còn yếu.
PV: Đa phần các DN Việt Nam là vừa và nhỏ, vậy chúng ta có lo ngại việc hội nhập DN Việt sẽ thua thiệt không, thưa ông?
Ông Võ Trí Thành: Có thể thấy, việc liên kết của Asean và khu vực Đông Á cơ bản do thị trường dẫn dắt, mặc dù đi sau về vốn, tiềm lực yếu hơn nhưng thời gian qua DN Việt Nam vẫn có bước phát triển, đây là bản năng về kinh doanh trong sự vận động của thị trường.
Nếu đứng ở góc độ này chúng ta cũng không quá bi quan về thị trường và con người Việt Nam, nhưng cần phải thấy bên cạnh sự nỗ lực của DN thì phải có nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là tầm vĩ mô, nếu như về khả năng chống đỡ các cú sốc thì DN chưa nhiều kinh nghiệm do thiếu tầm nhìn về dài hạn, nên ở tầm vĩ mô cần có sự hỗ trợ của Chính phủ.
PV: Theo ông, DN Việt cần làm gì để sẵn sàng tham gia vào “sân chơi” AEC khi thời điểm hình thành AEC đã đến rất gần?
Ông Võ Trí Thành: Các DN phải tự nhận thức đầy đủ hơn về sân chơi ở AEC, đừng nhìn AEC chỉ như một khối kinh tế, mà phải nhìn như một thị trường để sản xuất kinh doanh vì độ mở của nó. Thị trường Asean không chỉ là thị trường của riêng Asean, mà nó còn là thị trường để kết nối với khu vực và thế giới trong chuỗi sản xuất, qua đó các DN sẽ có cơ hội mở rộng kinh doanh ra khu vực và toàn cầu.
Đặc biệt quan trọng, các DN cần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm để tạo nên những lợi thế so sánh của sản phẩm Việt so với hàng hóa của những nước khác trong khu vực, để tránh thua ngay trên “sân nhà”.
Trong sân chơi chung sẽ có người thắng cuộc và thua cuộc, do vậy điều quan trọng là các DN phải tự nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để trong cộng đồng DN Việt nói chung sẽ giảm thiểu tỷ lệ người thua cuộc và phát huy tốt hơn số lượng người thắng cuộc.
PV: Xin cảm ơn ông!