Vẫn chiêu bài “nâng lên để hạ xuống”!
Vào thời điểm này, nếu dạo một vòng qua các siêu thị lớn trong nội thành Hà Nội, có thể nhận thấy rất nhiều poster quảng cáo “giảm giá sốc”, “khuyến mại khủng” được treo khắp nơi từ chỗ gửi xe đến tận cửa ra vào.
 |
Nhiều siêu thị ồ ạt khuyến mại lớn mùa cuối năm. Ảnh: DT
|
“Chạy đua” khuyến mại, nhiều siêu thị, trung tâm điện máy đã giảm giá nhiều sản phẩm từ 10-20%, thậm chí có những mặt hàng được tài trợ giá lên đến 50%. Song, điều đáng nói là, không ít mặt hàng trong diện ưu đãi vẫn có giá cao hơn ngoài thị trường, hoặc sản phẩm sau khi đã khuyến mại giá lại bằng đúng giá niêm yết (GNY) khi chưa khuyến mại!?
Phóng viên TBTCVN đã làm một cuộc khảo sát nhỏ tại một số trung tâm điện máy trong nội thành Hà Nội như Thế giới di động (TGDĐ), Trần Anh (TA), Nguyễn Kim (NK) đang có những chương trình khuyến mại, giảm giá “sốc” mùa cuối năm. Khảo sát tại những siêu thị này, chúng tôi nhận thấy hầu hết các sản phẩm trong siêu thị đều treo biển giảm giá, khuyến mại từ 10-20%, thậm chí có một số mặt hàng còn giảm tới 50%.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu và so sánh giá của một số mặt hàng giữa các siêu thị, có tình trạng một số mặt hàng thực ra chỉ là giảm giá “ảo”, tức là giá sản phẩm được tự ý nâng lên sau đó được giảm một lượng nhất định để thu hút người tiêu dùng. Vì vậy, có hiện tượng mặt hàng sau khi được khuyến mại, giá lại trở về bằng đúng với giá trước khi chưa khuyến mại.
Ví dụ, điện thoại Nokia Lumia 630 tại TGDĐ có giá niêm yết là 3,5 triệu đồng giảm giá còn 2,99 triệu đồng, trong khi đó sản phẩm có giá niêm yết tại trung tâm điện máy NK cũng là 2,99 triệu đồng; Laptop Lenovo G4030 tại TGDĐ có giá niêm yết là 7,49 triệu đồng giảm giá còn 5,99 triệu đồng, Ipad Mini Wifi 16GB có giá niêm yết là 6,99 triệu đồng giảm giá còn 5,99 triệu đồng, đem so sánh với siêu thị TA thì giá khuyến mại của sản phẩm tại TGDĐ bằng đúng GNY tại TA,…
Bên cạnh đó là tình trạng giá khuyến mại tại các trung tâm điện máy lại bằng nhau, khiến người tiêu dùng không thể biết được mình có thực sự được hưởng giá khuyến mại hay không, hay đó chính là giá thật của sản phẩm và không người tiêu dùng không được hưởng khuyến mại.
Ví dụ, tivi Samsung Smart 40H5230 (40’’) có giá niêm yết tại TA là 9,9 triệu đồng, tại NK là 11,9 triệu đồng, nhưng giá khuyến mại tại cả hai siêu thị này đều là 8,3 triệu đồng; tivi Samsung UHD 55HU7000 (55’’) có giá niêm yết tại TA là 39,9 triệu đồng, tại NK là 42,9 triệu đồng và giá khuyến mại tại cả hai siêu thị đều là 29,9 triệu đồng; tivi Sony 4K 49X8500 (49’’) có giá niêm yết tại TA là 33,9 triệu đồng, tại NK là 40,9 triệu đồng và giá khuyến mại tại cả hai siêu thị này đều là 29,9 triệu đồng…
Những hiện tượng nói trên không phải là hiếm gặp trong các đợt cao điểm khuyến mại diễn ra thường xuyên hàng năm. Hiện tượng “làm giá”, “loạn giá” ở nhiều siêu thị dường như là tình trạng phổ biến. Song điều đáng nói là, các siêu thị “tự nguyện” tham gia bán hàng khuyến mại giảm giá, các cơ quan chức năng có trách nhiệm giám sát việc bán hàng giảm giá, khuyến mại để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, nhưng cứ qua một mùa khuyến mại là lại để lại những sự bức xúc nhất định trong người tiêu dùng.
Người tiêu dùng không còn “mặn mà”…
Mặc dù đã nhận được đông đảo sự quan tâm của người tiêu dùng, tuy nhiên, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng “mặn mà” với những “ngày vàng”, “tháng vàng” khuyến mại, giảm giá.
|
Không phải lúc nào người tiêu dùng cũng "mặn mà" với hàng giảm giá . Ảnh minh họa)
|
Nhiều đợt cao điểm khuyến mại của các siêu thị vẫn chưa thực sự thu hút được đông đảo người tiêu dùng. Không ít người tiêu dùng đến các địa điểm mua sắm chỉ với tâm lý “thăm dò”, “tham quan” là chính.
Chị Nguyễn Kim Hoa (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, sau khi nghe nhiều thông tin về các chương trình giảm giá giả, hàng hóa kém chất lượng, chị cũng “bán tín bán nghi” và băn khoăn khi chọn đồ. Đi chơi là chính, nếu thấy cái nào chắc chắn là rẻ hơn thật thì mình mới mua.
Không ít người lại tỏ ra thất vọng về chương trình khuyến mại, khi mua sản phẩm giảm giá dùng được một thời gian thì phát hiện ra lỗi hoặc thường xuyên bị hỏng. Bạn Nguyễn Đức Anh (sinh viên Đại học Nông nghiệp Hà Nội) tâm sự: "Mới vào học đại học mình gom góp tiền mua cái laptop dùng cho việc học, nhằm đợt khuyến mại, giảm giá để bớt đi chi phí nhưng dùng được một thời gian máy bị nhiều lỗi, thường xuyên phải mang đi bảo hành".
Những đợt cao điểm khuyến mại, bán hàng giảm giá là dịp để người tiêu dùng được mua hàng với giá ưu đãi, doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, điều người tiêu dùng thực sự mong muốn là khuyến mại không phải là một “chiêu” để “câu khách”, mà cần quan tâm thực sự đến lợi ích người tiêu dùng. Có như vậy, các chương trình khuyến mại mới thực sự là “bạn” và thương hiệu doanh nghiệp mới được định vị trong tâm trí người tiêu dùng./.