Thông tin được công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2015 của Cục Hàng hải Việt Nam. Đây là một trong những điểm sáng lớn nhất của công tác hàng hải năm 2014, đồng thời cũng là điểm sáng sau 15 năm là thành viên của tổ chức Tokyo MOU (Tổ chức các Quốc gia tham gia bản ghi nhớ kiểm tra tàu của các chính quyền cảng vụ châu Á - Thái Bình Dương).
Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, khi được xếp vào thứ hạng cao trong “danh sách trắng” của Tokyo MOU, tàu Việt Nam sẽ không còn là đối tượng phải “ưu tiên kiểm tra” của các chính quyền cảng nước ngoài. Một năm, thậm chí hai năm hoặc nhiều hơn các tàu trong đội tàu treo cờ Việt Nam mới bị chính quyền các cảng quốc tế kiểm tra một lần thay vì hai tháng, có khi một tháng một lần như trước đây.
Cũng trong năm 2014, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã phối hợp với cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó riêng việc tăng cường kiểm tra tàu trước khi xuất bến, 25 Cảng vụ Hàng hải đã thực hiện kiểm tra 822 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế trong năm 2014, phát hiện 743 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 9.309 khiếm khuyết, yêu cầu khắc phục.
Hiện đội tàu Việt Nam đảm nhận gần 100% lượng hàng nội địa đường biển. Riêng tàu container, sau hơn một năm, số lượng tàu vận tải nội địa đã tăng từ 19 lên trên 30 tàu. Tổng sản lượng vận tải đội tàu Việt Nam năm 2014 ước đạt 98,5 triệu tấn (135,7 tỷ T.Km), tăng trưởng nhẹ so với năm 2013 (0,13%). Lượng hàng thông qua nhóm cảng số 1 tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt 120,3 triệu tấn (tăng 13%), chiếm 33% của cả nước. Nhóm cảng số 5 đạt 162 triệu tấn (tăng 14%), chiếm 44%. Sản lượng container khu vực Hải Phòng đạt 3,36 triệu TEUs (tăng 18%), khu vực Tp. Hồ Chí Minh đạt 4,98 triệu TEUs (tăng 6%).
Để đạt được kết quả trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã có nhiều cố gắng về mặt quản lý nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục, sát cánh cùng doanh nghiệp vận tải biển vượt qua khó khăn. Riêng trong mấy tháng cuối năm 2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức hai cuộc đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp để tiếp nhận kiến nghị và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là phí, lệ phí và các thủ tục khác được các chủ tàu và doanh nghiệp đánh giá cao.
Ngoài ra, trong năm 2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện nghiêm chủ trương tăng năng lực vận tải đường biển để giảm tải cho đường bộ và kiểm soát chặt tải trọng phương tiện. Đến nay, 206/222 doanh nghiệp cảng biển đã ký cam kết thực hiện kiểm soát tải trọng. Theo thống kê từ tháng 7 đến hết tháng 11/2014, lượng hàng tàu SB (song pha biển) đã vận chuyển theo tuyến từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế đạt gần 700.000 tấn với khoảng 500 lượt tàu.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Cục hàng hải Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh, nhiệm vụ “đi trước một bước” làm nền tảng cho việc hoàn thành kế hoạch năm 2015 và giai đoạn 2015-2020 là thách thức lớn với ngành GTVT nói chung và với hàng hải nói riêng.
Chính vì vậy, phải bắt đầu từ tư duy cải cách. Phải đặt địa vị mình là dân, là doanh nghiệp để làm cơ chế chính sách. Chính vì vậy cần xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, theo hướng có lợi cho người dân, doanh nghiệp. Việt Nam là quốc gia biển, phải làm giàu từ biển. Do đó không có cách nào khác, năm 2015 và các năm tiếp theo ngành Hàng hải phải đổi mới toàn diện, quyết liệt hơn nữa./.